Dự kiến, vải thiều chín sớm sắp bắt đầu thu hoạch. Năm nay, sản lượng vải thiều ở các địa phương trọng điểm dự báo khá dồi dào, song vấn đề lo nhất vẫn là đầu ra cho trái vải.
Vừa làm vừa nghe ngóng
Ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Cường, xã Thanh Cường (huyện Thanh Hà, Hải Dương) cho biết, HTX có 240 ha vải thiều, trong đó có 21ha sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đa dạng kênh phân phối để giúp trái vải thiều thoát "được mùa mất giá" . |
"UBND xã đã giao cho HTX tập huấn, khuyến cáo cho bà con tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về kỹ thuật, từ vệ sinh vườn vải, để các bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định đến việc chăm sóc, phun phòng trừ sâu bệnh, cách sử dụng các loại thuốc đảm bảo tiêu chuẩn để khi quả vải ra thị trường, đạt chất lượng cao nhất", ông Cường cho biết.
Trao đổi với VnBusiness, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, đến thời điểm này mọi việc vẫn diễn ra đúng kế hoạch ban đầu về tiêu thụ vải thiều. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ameii đã phải đưa ra phương án dự phòng. Tùy theo từng cấp độ, doanh nghiệp (DN) xây dựng phương án nếu địa bàn sản xuất vải thiều trọng điểm phải giãn cách thì vẫn phải thu hoạch được vải thiều, nhà máy duy trì được sản xuất. Về phương án lưu thông giữa các tỉnh, nếu địa phương bùng phát dịch thì phải có giải pháp lưu thông đưa hàng ra đến cảng.
Năm nay, Ameii dự kiến XK vải thiều đến các thị trường Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Australia... với sản lượng dao động từ 500 - 700 tấn, chủ yếu tập trung thu mua tại Hải Dương và Bắc Giang.
"Để chuẩn bị cho vụ vải thiều 2021, chúng tôi đã vào cuộc từ mấy tháng trước, theo đó cử cán bộ xuống giám sát vùng trồng, tập huấn, hỗ trợ nông dân. Đến nay, có thể nói cơ bản công tác chuẩn bị đã hoàn tất, chỉ còn phụ thuộc vào thu hoạch và XK", bà Hồng chia sẻ.
Theo đại diện Ameii, năm ngoái các thị trường XK đánh giá rất tốt trái vải thiều Việt Nam. Vì vậy, năm nay, nhiều khách hàng nước ngoài đã chủ động đặt hàng với DN. Đơn cử, với thị trường Nhật Bản, nhu cầu năm nay tăng hơn năm ngoái, mở ra cơ hội rất lớn cho trái vải Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Hồng cũng chia sẻ nhu cầu lớn nhưng khó khăn nhất của DN vẫn là câu chuyện chi phí logistics quá cao, đặt chuyến rất khó. Trong khi đó, thị trường trong nước lại đang bùng phát dịch COVID-19, điều này khiến DN lo lắng, vừa làm vừa nghe ngóng.
"Chúng tôi lo nhất là dịch COVID-19 bùng phát ở vùng sản xuất vải, người dân không ra vườn thu hoạch được, lái xe không được di chuyển ra khỏi tỉnh, công nhân không đến được nhà máy. Điều này sẽ khiến DN chậm giao hàng, bị phạt hợp đồng, mất uy tín với đối tác", bà Hồng chia sẻ, đồng thời nói rằng, Ameii đã tính đến cả phương án đẩy mạnh chế biến sâu như cấp đông, sấy khô quả vải...
Trái vải lên sàn online
Về phía vùng trồng vải thiều trọng điểm, các địa phương đã lên các kịch bản tiêu thụ cho trái vải thiều trong vụ 2021 này. Đơn cử, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đã xây dựng 3 phương án tiêu thụ vải thiều. Theo đó phương án một là trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều sẽ tiêu thụ thuận lợi tại thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... thông qua thương lái và các DN đã về làm việc với huyện từ đầu tháng 4.
Phương án thứ 2, dịch diễn biến phức tạp, vải không thể XK, huyện sẽ phối hợp các sở, ngành, DN khai thác tối đa thị trường nội địa. Kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước để tiêu thụ vải thiều, chú trọng đến các chợ đầu mối và chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi...
Phương án thứ 3, khi dịch được kiểm soát có thể XK được nhưng không nhiều, huyện tập trung XK vải ở các thị trường truyền thống, chẳng hạn như Trung Quốc.
Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương, năm 2021, diện tích vải của tỉnh này khoảng 9,5 nghìn ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 50-55 nghìn tấn quả. Hải Dương đã xây dựng vùng vải thiều đạt chất lượng XK đi các thị trường cao cấp. Trong đó, tại 2 "thủ phủ" trồng vải của Hải Dương là Thanh Hà và Chí Linh có khoảng 1.000ha được cấp chứng nhận VietGAP, 520 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đặc biệt, năm nay, Hải Dương cũng tính đưa quả vải bán trực tuyến qua các sàn TMĐT như Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn, Lazada.vn.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, mùa vụ năm nay sản lượng vải đạt khoảng 180.000 tấn, trong đó 50% XK, 50% tiêu thụ trong nước. Thời gian thu hoạch vụ sớm từ 20/5 và chính vụ 10/6-20/7.
Hiện có gần 300 thương nhân Trung Quốc đăng ký sang thu mua vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Số được cấp phép nhập cảnh đợt 1 khoảng 170 người. Sản lượng dự kiến xuất bán sang Trung Quốc khoảng 95.000 tấn, tương ứng 149 mã vùng trồng tại 4 huyện: Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn. 30 mã vùng trồng, sản lượng khoảng 1.860 tấn được tập trung phát triển dành cho XK sang thị trường Nhật, khoảng 1.850 tấn dành XK sang Mỹ, EU, Australia...
UBND huyện Lục Ngạn cũng đã đưa ra 2 phương án tiêu thụ vải. Phương án một, dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 114 nghìn tấn (trong đó, tiêu thụ trong nước 51 nghìn tấn, XK 53 nghìn tấn), chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn. Phương án hai nếu tình hình dịch trong nước tiếp tục phức tạp, dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95 nghìn tấn.
Thy Lê