Giá nhiên liệu ở Ấn Độ đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm, nhưng theo các tài xế, thu nhập của họ lại không tăng tương xứng, khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn cho dù đã cố gắng làm thêm giờ.
Ông Sunil Borkar - đại diện cho Maharashtra Rajya Rashtriya Kamgar Sangh - tổ chức công đoàn của tài xế Mumbai, cho rằng: “Các công ty này không hiểu được những vấn đề mà người lái xe phải đối mặt. Họ cắt giảm thù lao trong khi đáng ra phải trả cao hơn”.
Giọt nước tràn ly
Ông Borkar cũng chia sẻ rằng cánh tài xế còn kêu gọi nhau tổ chức đình công vô thời hạn ở Mumbai cho đến khi nào đòi hỏi của họ được đáp ứng. Số lượng người dự kiến tham gia đợt đình công mới vẫn chưa thống kê được.
Trước tình hình trên, Uber đã ra thông cáo “lấy làm tiếc rằng hành động của một nhóm cá nhân đã gây phiền phức cho khách hàng và các tài xế khác”. Công ty cũng cam kết sẽ “bảo đảm người lái xe có được thu nhập ổn định”. Trong khi đó, Ola vẫn giữ thái độ im lặng, chưa lên tiếng phản hồi.
Thời điểm diễn ra đình công, ở cả hai thành phố Delhi và Mumbai đã ghi nhận nhiều hành khách phải đợi lâu hơn bình thường mới bắt được xe Uber và Ola.
Theo thông tin của người dân chứng kiến, tại một cuộc đình công bên ngoài văn phòng của Uber ở Mumbai, hàng chục tài xế giơ cao biểu ngữ với ngôn từ khá gay gắt như “Uber quay về đi”, hay “Ola là tên trộm lớn nhất”, đồng thời liên tục hô to khẩu hiệu công kích các doanh nghiệp này.
Một người tham gia đình công còn giận dữ đập hỏng một tấm áp phích in hình nhà sáng lập Ola Bhavish Aggarwal. Một số tài xế đang chở khách thậm chí đã bị đoàn người đình công chặn lại và yêu cầu trả khách giữa đường.
Tại Delhi, cuộc đình công của các tài xế còn được “tiếp sức” khi một số cây xăng cũng ngừng hoạt động để yêu cầu chính quyền thành phố giảm giá xăng và dầu diesel cho phù hợp với các bang lân cận.
Chi phí nhiên liệu tăng cao, do giá dầu tăng và đồng rupee suy yếu là vấn đề đau đầu cho các tài xế vốn đã có thu nhập không dư dả gì, chứ chưa nói là giảm sút trong 2 năm qua, sau khi Uber và Ola cắt hết các chương trình ưu đãi nhằm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Những cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều nơi tại Ấn Độ |
“Cày” 16 tiếng mới đủ trang trải
Thời kỳ ưu đãi còn nhiều và hào phóng, không ít người Ấn Độ đã bỏ cả công ăn việc làm ổn định khi đó để đi vay tiền mua xe với hy vọng làm giàu từ nghề lái xe công nghệ. Đến thời điểm nguồn cung tài xế quá dồi dào, Uber và Ola bắt đầu cắt dần các chương trình khuyến mãi, ưu đãi.
Một số lái xe nói rằng họ phải làm việc đến 16 giờ mỗi ngày mới kiếm đủ tiền trả lãi vay mua xe, chi phí chạy xe và trang trải cho cuộc sống gia đình. Mong muốn của họ là Uber cân nhắc tăng tỷ lệ chia thù lao để đôi bên cùng có lợi và tình hình sớm ổn định trở lại. Nhiều tài xế không tham gia đình công cũng không dám chạy xe, vì lo sợ sẽ trở thành mục tiêu tấn công của những người tham gia đình công nếu họ vẫn cố làm việc.
Ấn Độ được xem là thị trường lớn cuối cùng của Uber ở châu Á, sau khi rút khỏi Trung Quốc (năm 2016), Nga (năm 2017) và bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab (đầu năm nay).
Tuy nhiên, Uber phải cạnh tranh rất vất vả với Ola - ứng dụng đi chung xe của Ấn Độ với hơn một triệu tài xế và hoạt động tại 110 thành phố. Trong khi đó, Uber chỉ hiện diện tại 30 thành phố.
Dù có nhiều thông tin xung quanh việc Uber cân nhắc bán lại cho Ola, song ban lãnh đạo Uber đã tuyên bố đây là thị trường rất quan trọng, không chỉ với hoạt động hiện tại, mà còn cho 5 - 10 năm tới.
Nhiều ý kiến cũng tin tưởng Uber có thể còn đổ thêm tiền cho Ấn Độ để níu giữ cơ hội, bởi công ty này chỉ còn lại hai mảnh đất vàng khác là châu Âu và Bắc Mỹ mà thôi.
Hải Châu