Cơ quan quản lý Ấn Độ đã rút giấy phép của 1.500 công ty tài chính phi ngân hàng quy mô nhỏ với lý do không bảo đảm đủ vốn, đồng thời thắt chặt quy trình cấp phép hoạt động cho các công ty mới.
Một số chuyên gia nhận định những công ty tài chính trường vốn có thể sẽ nuốt chửng các đối thủ nhỏ. Điều này có thể khiến thị trường tài chính “ngầm” trở nên bớt nhộn nhạo, song cũng khiến nhóm đối tượng khách hàng nghèo gặp ít nhiều khó khăn khi đi vay những món nhỏ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi sinh sống của 2/3 dân số 1,3 tỷ người Ấn Độ. Hệ quả gián tiếp là làm giảm tiêu dùng cá nhân - một nhân tố quan trọng của tăng trưởng.
Đem rủi ro tới các làng mạc
Infrastructure Financing and Leasing Services Ltd (IL&FS) - công ty tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng có tiếng của nước này, là một minh chứng điển hình khi tuyên bố mất khả năng trả nợ và vừa phải trao quyền kiểm soát cho chính phủ để tránh xảy ra đổ vỡ dây chuyền trên thị trường.
Cách đây mấy hôm, trái phiếu ngắn hạn của Dewan Housing Finance (công ty cho vay mua nhà) cũng bị “bán tống bán tháo”, làm giới đầu tư tại Ấn Độ hoang mang về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản trên diện rộng.
Theo các chuyên gia, vấn đề đang nằm ở chỗ nhiều công ty không duy trì được cán cân tài sản - nợ khi chấp nhận vay ngắn hạn, nhưng nguồn thu để trả nợ thì mang tính dài hạn. Và hàng nghìn công ty rủi ro cao như vậy lại đang “làm mưa làm gió” ở các làng mạc và thị trấn nông thôn.
Lĩnh vực “ngân hàng ngầm” ở Ấn Độ hiện có hơn 11.400 công ty với tổng tài sản 22.100 tỷ rupee (tương đương 304 tỷ USD) và được quy định lỏng lẻo hơn ngành ngân hàng chính thống. Lĩnh vực này đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư mới, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực ngân hàng siết chặt tín dụng để giải quyết nợ xấu.
Danh mục cho vay của nhóm các công ty tài chính phi ngân hàng (NBFCs) đã tăng gần gấp đôi tốc độ của các ngân hàng và một số, bao gồm cả IL&FS, thậm chí còn được xếp hạng tín dụng cao.
Tuy nhiên, khi bê bối xảy ra thì người ta mới quay lại đặt dấu hỏi chấm về điểm xếp hạng này. Có ý kiến cho rằng nhiều công ty quá liều lĩnh, bất chấp rủi ro để cho vay với cả những khách hàng hầu như không có “cửa” hoàn trả. Cũng có người đặt nghi vấn về việc liệu quy định lỏng lẻo có tạo kẽ hở cho một số công ty lách luật để rửa tiền hay không.
Theo một số nhà đầu tư có uy tín, chi phí vay tăng cao, cộng thêm biến động gần đây trên thị trường, sẽ dẫn đến khủng hoảng tín dụng trong ngành tài chính phi ngân hàng và gây khó khăn cho các công ty không đủ vốn để bám trụ. Nếu chính phủ Ấn Độ không có chính sách hỗ trợ phù hợp, thì những NBFC hoạt động yếu kém sẽ không tránh khỏi quy luật đào thải.
IL&FS - công ty tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng có tiếng của Ấn Độ vừa tuyên bố mất khả năng trả nợ |
Quy luật đào thải
Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) thậm chí còn rút giấy phép của khoảng 1.500 đơn vị không có vốn tối thiểu từ 20 triệu rupee (xấp xỉ 275.330 USD) trở lên, cho dù đã phát thông báo nhắc nhở, cũng như cho họ thêm thời gian lo liệu.
Điểm khác biệt quan trọng giữa NBFC với các ngân hàng truyền thống là họ xây dựng mối quan hệ cá nhân với khách hàng nhờ hiểu biết về thị trường địa phương; vì thế mà cho dù tính lãi suất cao hơn 2%, họ vẫn có thể “bắt khách” chỉ qua vài phút trao đổi chóng vánh.
Không giống như các ngân hàng, NBFC tỏ ra linh hoạt và sẵn sàng giải ngân cho cả những người không có tài khoản ngân hàng, không tài sản thế chấp. Với những người cần một khoản tiền để mở tiệm ăn nhỏ hay mua phương tiện làm việc, thì NBFC là địa chỉ “thân thiện” hơn.
Các nhà phân tích cho rằng sự bất ổn hiện tại trên thị trường đồng nghĩa với việc các NBFC trường vốn như LIC Housing Finance, Power Finance, Rural Electrification, Bajaj Finance hay C h o l a m a n d a l a m Investment and Finance sẽ có ưu thế. Ngược lại, những công ty “èo uột” sẽ phải đóng cửa hoặc chấp nhận bị thâu tóm.
Trong 2 năm qua, ngân hàng IDFC đã mua lại Microa Vidiyal Micro Finance, ngân hàng Kotak Mahindra thâu tóm BSS Microfinance, RBL Bank tiếp quản Swadhaar Finance trong khi IndusInd Bank đã công bố kế hoạch sáp nhập Bharath Financial Inclusion.
Hải Châu