Sau khi thông báo về thành công của cuộc tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 1/10, ông Trump chỉ trích các chiến thuật thương mại của Ấn Độ và Brazil, mô tả hai nước này "có lẽ là kinh khủng nhất thế giới về chủ nghĩa bảo hộ". Theo ông Trump, Ấn Độ đánh thuế “cao khủng khiếp" đối với hàng hóa Mỹ.
Ông cho biết đã trao đổi với lãnh đạo Ấn Độ về vấn đề thuế quan và phía New Delhi đảm bảo rằng các khoản thuế này sẽ được giảm đáng kể. Ông cũng cho biết thêm Ấn Độ muốn bắt đầu đối thoại “ngay lập tức” với Mỹ về thương mại.
Hiện, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chưa đưa ra bình luận gì. Gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu đối với ngày càng nhiều hàng hóa khi họ đang thúc đẩy chương trình “Made in India".
Sau khi chỉ trích Ấn Độ, ông Trump quay sang Brazil - nền kinh tế lớn thứ hai ở Nam Mỹ. Ông nói: "Nếu bạn hỏi các công ty, họ sẽ nói rằng Brazil nằm trong số những nước khó làm ăn nhất trên thế giới".
Tổng thống Mỹ Donal Trump (Ảnh:Internet) |
Brazil là một trong những nền kinh tế lớn nhưng có độ mở thấp trên thế giới. Trong thời gian gần đây, chính phủ nước này cũng có những căng thẳng với chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề thương mại trong lĩnh vực sản xuất ethanol và thép.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại thương Brazil Abrao Neto cho biết trong 10 năm trở lại đây, Mỹ đã hưởng thặng dư thương mại với Brazil trị giá 90 tỷ USD riêng về hàng hóa, và 250 tỷ USD về hàng hóa và dịch vụ.
Ông Neto cũng nhấn mạnh rằng Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Brazil, chỉ sau Trung Quốc, và hai nước đã có một quan hệ thương mại "chiến lược và bổ sung lẫn nhau" đang ngày một cải thiện.
Liên quan đến Trung Quốc, cũng trong phát biểu trên, Tổng thống Trump khẳng định "vẫn còn quá sớm” để đàm phán với Bắc Kinh về một thỏa thuận thương mại. Theo ông, các mức thuế của Mỹ vẫn chưa thể hiện đủ sức ép để buộc Bắc Kinh nhượng bộ trên bàn đàm phán.
Ông cho biết: “Trung Quốc rất muốn đối thoại. Tôi nói với họ rằng ‘thật sự vẫn còn quá sớm để đàm phán’. Về mặt chính trị, nếu quá vội vàng, bạn sẽ không thể đạt một thỏa thuận phù hợp cho đất nước cũng như người lao động của mình”.
Cho đến nay, Mỹ liên tục sử dụng biện pháp áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm gây áp lực, buộc Bắc Kinh thực hiện những thay đổi sâu rộng về thương mại, chuyển giao công nghệ và chính sách trợ cấp cho ngành công nghiệp công nghệ cao.
VT