Tuyến tàu cao tốc dài hơn 500 km nối liền thủ đô tài chính Mumbai với trung tâm kinh tế Ahmedabad được “chọn mặt gửi vàng” sẽ là biểu tượng về một bước nhảy vọt cho ngành đường sắt Ấn Độ, làm tươi mới hệ thống đường sắt già cỗi nhất châu Á với hơn 165 năm lịch sử.
Công suất thiết kế của đoàn tàu là 350 km/giờ, giúp tiết kiệm thời gian đi lại giữa hai thành phố xuống còn khoảng 2 tiếng đồng hồ, so với 7 tiếng như hiện tại.
Ám ảnh chuyện thu hồi đất
Tuy nhiên, 1 năm kể từ ngày khởi công, dự án 15 tỷ USD mới thu hồi, giải phóng mặt bằng được 0,9 ha đất trong tổng số 1.400 ha đã đưa vào quy hoạch.
Dự án trọng điểm này là một điểm nhấn quan trọng trong lộ trình cải tổ hệ thống cơ sở hạ tầng mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang theo đuổi. Nhưng, nó đang vấp phải sự phản đối của người dân trong diện giải tỏa, vì số tiền đền bù bị cho là không thỏa đáng.
Với tốc độ thu hồi đất hiện nay, những đoàn tàu được xây dựng trên công nghệ “Shinkansen” của Nhật Bản nhiều khả năng sẽ không thể đạt đúng tiến độ hoàn thành vào năm 2023, chứ chưa nói đến tham vọng về đích sớm 1 năm mà Ấn Độ từng tuyên bố.
Một số chuyên gia cho rằng vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng diễn ra rất phổ biến ở Ấn Độ, khiến nhiều dự án bị chậm xa so với kế hoạch. Một trong những lý do chính của tình trạng này là sự thiếu đồng thuận của người dân trong khu vực giải tỏa với chính quyền.
Đây cũng là thách thức mà Thủ tướng Modi sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, khi hàng loạt dự án “điểm” về đường sắt, cảng biển và sân bay được triển khai nhằm tiếp thêm động lực cho Ấn Độ duy trì vị thế là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, tổng cộng 754 tỷ rupee (tương đương 10,2 tỷ USD) dự án đã được hoàn thành vào cuối tháng 9 vừa qua, tức là chưa được một nửa so với mục tiêu 2 nghìn tỷ rupee đề ra trước đây.
Những đoàn tàu được xây dựng trên công nghệ “Shinkansen” của Nhật Bản |
Nhà thầu tự tin chạy tiến độ
Theo Tổng công ty Đường sắt cao tốc quốc gia Ấn Độ, đơn vị thi công dự án, mặc dù đang có sự chậm trễ trong công tác thu hồi đất nhưng quá trình giải ngân vốn sẽ không vì thế mà gián đoạn.
Đại diện công ty vẫn tự tin khẳng định dự án có thể đi vào hoạt động vào tháng 8/2022 và cam kết quan tâm đầy đủ đến lợi ích của những người nông dân bị ảnh hưởng.
Trong quá khứ, Ấn Độ cũng đã có không ít dự án bị đình trệ vì không hợp lòng dân. Khoảng 10 năm trước, Tata Motors phải hoãn việc ra mắt chiếc xe hơi rẻ nhất thế giới Nano, sau khi làn sóng phản đối quá quyết liệt của nông dân buộc doanh nghiệp phải bỏ nhà máy ở bang Tây Bengal để chuyển sang cơ sở mới ở phía tây Gujarat. Quá trình thu hồi đất cũng là một vấn đề vướng trong dự án xây dựng nhà máy lọc dầu ở Maharashtra.
Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất có dự án tàu cao tốc gặp trúc trắc khi thu hồi đất. Một dự án đường sắt tốc độ cao trị giá 6 tỷ USD nối Jakarta với Bandung ở Indonesia tiến triển với tốc độ không cao lắm chỉ vì thủ tục hành chính nhiêu khê và khó khăn ở khâu giải phóng mặt bằng.
Theo Jakarta Post, quá trình xây dựng bắt đầu từ tháng 8/2016, nhưng đến hết tháng 8 năm nay mà mới chỉ có 7,6% công việc được thực hiện trên tuyến đường sắt dài 142 km.
Đất đai xem chừng là câu chuyện muôn thuở ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Ấn Độ. Nhưng chỉ cần quyết tâm giải quyết bài toán này một cách rốt ráo để đường sắt cao tốc được hoàn thiện và đi vào vận hành, quá trình vận động của đời sống kinh tế Ấn Độ có thể sẽ thay đổi chóng mặt và người dân sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Hải Châu