Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông John Culver - Phụ trách hoạt động quốc tế của Starbucks tại 58 thị trường bên ngoài Mỹ, bao gồm cả Trung Quốc, chia sẻ dự định của công ty là tiếp tục theo đuổi kế hoạch mở thêm gần 600 cửa hàng tại Trung Quốc trong năm tới.
“Dù số liệu GDP mới nhất của Trung Quốc có kém khả quan, thì đây vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới”, ông Culver cho hay.
Áp lực cạnh tranh gia tăng
Báo cáo kinh doanh mới đây cũng góp phần khẳng định tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc đối với kết quả hoạt động của Starbucks, nơi mà thương hiệu đồ uống nổi tiếng của Mỹ hướng đến nhóm khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng.
Cụ thể, doanh thu tại các cửa hàng cà phê Starbucks ở Trung Quốc đã mở từ 13 tháng trở lên chỉ tăng 1% - giảm từ mức 6% so với cùng kỳ năm trước, song việc bổ sung thêm 560 cửa hàng mới giúp tổng doanh thu tại đây tăng gần gấp đôi, lên 652 triệu USD.
Vấn đề với Starbucks là khi người Trung Quốc bắt đầu uống cà phê nhiều hơn thì vị thế thống trị của Starbucks cũng bị đặt dưới áp lực cạnh tranh. Các đối thủ xuất hiện ngày một nhiều, trong đó có những thương hiệu cà phê “cây nhà lá vườn” như Luckin Coffee với tốc độ mở rộng chóng mặt và hiện có khoảng 1.700 cửa hàng ở 21 thành phố.
Kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại Trung Quốc của Starbucks diễn ra vào thời điểm giới đầu tư quan tâm nhiều đến triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tốc độ tăng GDP năm 2018 chỉ 6,6% là mức thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 1990.
Mặc dù vậy, ông Culver khẳng định: “Chúng tôi vẫn sẽ theo đuổi chiến lược mà mình đang thực hiện”, đồng thời thể hiện niềm tin vào tình hình kinh doanh tại Trung Quốc trong cả “ngắn, trung và dài hạn”.
Trong năm tới, Starbucks sẽ mở thêm hơn 2.000 cửa hàng mới trên toàn thế giới và khoảng một nửa trong số đó là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại Trung Quốc, Starbucks đã có 3.684 cửa hàng và sẽ bổ sung thêm gần 600 cửa hàng nữa.
![]() |
Trung Quốc - Thị trường ngày càng quan trọng đối với Starbucks |
Gánh cả châu Âu, và EMEA
Starbucks đã có gần 30.000 quán cà phê được cấp phép trên toàn cầu tính đến cuối năm 2018, trong khi một năm trước đó là hơn 28.000 quán.
Tăng trưởng doanh thu ở Mỹ, nơi nhà đầu tư của Starbucks khá quan ngại vì làm ăn không hiệu quả lắm trong năm ngoái, đã tăng 4% trong 3 tháng cuối năm 2018 so với mức 2% trong cùng kỳ một năm trước đó. Tổng doanh thu từ thị trường nội địa của công ty tăng 8% lên mức 4,2 tỷ USD khi Starbucks mở thêm 595 quán mới.
Giám đốc điều hành Roz Brewer cho biết Starbucks đã tìm cách cải thiện sản phẩm dịch vụ của mình sau kết quả đáng thất vọng trong kỳ nghỉ lễ năm 2017.
Ví dụ, công ty quyết định đầu tư trang trí các cửa hàng đồng bộ trong sắc đỏ và xanh lá cây truyền thống cho Giáng sinh 2018.
Những thay đổi trong nội bộ tổ chức cũng đã giải phóng nhân viên để họ có thêm thời gian chăm sóc khách hàng và điều đó mang lại hiệu quả cao hơn tại các cửa hàng, bà Brewer chia sẻ.
Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan ở thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi (khu vực EMEA) nên đã kéo tụt kết quả chung của cả tập đoàn. Tổng doanh thu của các thị trường này đã giảm 1% xuống còn 266 triệu USD mặc dù công ty đã mở thêm 324 cửa hàng mới.
Tổng doanh thu thuần của Starbucks tăng 9,2% so với một năm trước, lên 6,63 tỷ USD. Lãi ròng đạt 760 triệu USD, giảm từ 2,25 tỷ USD trong báo cáo lần trước bởi khi đó Starbucks phát sinh nhiều khoản thu đột xuất, bao gồm việc nhượng bán thương hiệu Tazo cho đối tác.
Hải Châu