Theo tính toán của Starbucks, thay đổi này sẽ giúp công ty loại bỏ hơn 1 tỷ ống hút nhựa mỗi năm. Cụ thể, Starbucks sẽ chuyển từ nắp đậy bằng nhựa, phẳng, yêu cầu phải có ống hút đi kèm sang loại nắp mới thuận tiện hơn để uống trực tiếp.
Nhiều người đùa vui, những thiết kế mới có phần na ná một chiếc cốc “sippy cup” (bình tu sữa của trẻ em) dành cho người lớn.
Bớt nguy hại cho môi trường
Đồ uống Frappuccino vẫn sẽ được đựng trong các cốc có nắp đậy dạng mái vòm, nhưng với ống hút được làm từ giấy hoặc nhựa phân hủy. Khách hàng nào vẫn muốn ống hút có thể sử dụng loại thân thiện với môi trường. Ngoài ra, một số đồ uống khác của Starbucks như cà phê phủ bọt lạnh sẽ được phục vụ trong các cốc với nắp đậy không làm từ nhựa.
Theo kế hoạch, Starbucks sẽ tung ra các loại nắp đậy mới cho tất cả các loại đồ uống vào mùa thu năm nay, bắt đầu với những cửa hàng ở Vancouver, Canada và Seattle.
Rõ ràng, việc nói “không” với ống hút nhựa là một dấu mốc quan trọng trong nỗ lực phát triển bền vững của Starbucks. Trước đó, công ty cũng đã cam kết chi 10 triệu USD để phát triển các loại ly có thể tái chế, đựng được đồ uống nóng, tiến tới thay thế các loại cốc dùng một lần hiện nay.
Ngoài Starbucks, nhiều công ty khác cũng đã từ bỏ ống hút nhựa như một cách để vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vừa tuân thủ quy định của pháp luật sở tại.
Cũng trong ngày 9/7, Hyatt ra thông báo các ống hút bằng nhựa và cốc đựng đồ uống dùng một lần sẽ chỉ được cung cấp khi khách hàng có yêu cầu thay vì bày ra sẵn như trước kia. Quyết định này sẽ có hiệu lực tại tất cả các khách sạn của Hyatt kể từ ngày 1/9. Thậm chí, công ty còn dự định loại bỏ hoàn toàn loại vật dụng này trong tương lai.
Tháng 6 vừa rồi, McDonald’s cũng tuyên bố các cửa hàng ở Anh và Ai-len sẽ chuyển sang dùng ống hút giấy kể từ tháng 9. Quá trình chuyển đổi này sẽ hoàn tất vào năm 2019.
Trước đó, chính phủ Anh đã có dự thảo lệnh cấm ống hút nhựa trên toàn quốc hồi tháng 4, còn Liên minh châu Âu thì đề xuất cấm một số sản phẩm nhựa, trong đó có ống hút.
![]() |
Năm 2020, Starbucks sẽ ngừng sử dụng ống hút nhựa tại tất cả các cửa hàng của hãng trên toàn cầu |
Chung tay thay đổi
Tại Mỹ, các chính quyền các bang cũng đã đưa ra những quy định tương tự. Lệnh cấm sử dụng ống hút và đồ dùng bằng nhựa của Seattle đã có hiệu lực vào tuần trước. Oakland và Berkeley, California cùng nhiều thành phố khác cũng cấm sử dụng ống hút dùng một lần.
Cả McDonald’s và Starbucks từng bị phạt ở Ấn Độ vì không tuân thủ các lệnh cấm sử dụng sản phẩm làm từ nhựa. McDonald’s dù đưa vào sử dụng dao kéo bằng gỗ, cốc giấy và ống hút làm bằng tinh bột ngô, nhưng lại chưa thay thế các nắp đậy đồ uống bằng nhựa.
Tương tự, Starbucks cũng thay thế các sản phẩm cũ bằng túi giấy, ống hút phân hủy sinh học và dao kéo bằng gỗ, nhưng vẫn để “sót” sản phẩm nhựa. Dù vậy, các khoản phạt vi phạm lại rất nhỏ, chỉ 5.000 rupee (73 USD) cho vi phạm lần đầu, tăng lên 25.000 rupee (367 USD) nếu tái phạm. Tất nhiên, nếu cố ý vi phạm có hệ thống thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với án tù.
Ống hút nhựa được xem là một tác nhân lớn góp phần gây ô nhiễm đại dương và nguy hiểm cho sinh vật biển. Chính phủ Anh cho biết có tới 1 triệu gia cầm và hơn 100.000 động vật biển có vú chết mỗi năm do ăn phải hoặc mắc kẹt trong chất thải nhựa. Vì vậy mà chính phủ một số nước đã bắt đầu cấm vật dụng này.
Nhiều nhà hoạt động môi trường cũng kỳ vọng các công ty khác sẽ noi gương Starbucks để góp phần đối phó với tình trạng ô nhiễm đại dương đang ngày một nghiêm trọng.
Với 8 triệu tấn nhựa thải vào đại dương mỗi năm, sẽ rất khó để bảo vệ môi trường biển nếu không có sự tham gia của các công ty sản xuất, các ngành công nghiệp lớn.
Hải Châu