Giám đốc điều hành Kevin Johnson cho biết Starbucks sẽ tập trung đầu tư vào đội ngũ nhân sự bản xứ và cơ sở khách hàng của mình.
“Gã khổng lồ” trong ngành cà phê đặt mục tiêu trở thành chuỗi thực phẩm nước ngoài phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc bằng cách cứ trung bình 15 tiếng lại mở một cửa hàng mới cho đến năm 2022.
Dự kiến đến lúc đó, Starbucks sẽ có 6.000 cửa hàng mới, trong khi mục tiêu trước đó là 5.000 cửa hàng vào năm 2021.
Mang đến cơ hội lâu dài
Tại một hội thảo nhà đầu tư tại Thượng Hải và cũng là lần đầu tiên tổ chức bên ngoài nước Mỹ, ông Johnson nhận định thị trường Trung Quốc có những cơ hội lâu dài cho Starbucks. Mặc dù tình hình địa chính trị có những rủi ro nhất định ngoài tầm kiểm soát song Starbucks luôn hướng đến tầm nhìn dài hạn.
Starbucks đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc để tạo cú hích cho doanh số khá buồn tẻ ở Mỹ và nhiều địa bàn khác. Một thỏa thuận trị giá 7,2 tỷ USD với Nestle SA hồi đầu tháng 5 này đã mang lại cho Starbucks kha khá tiền mặt để tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng tốc tại Trung Quốc, thị trường có quy mô lớn nhất của Starbucks trong thập kỷ tới.
Starbucks dự kiến sẽ gấp đôi lợi nhuận hoạt động ở Trung Quốc vào năm tài khóa 2022. Theo thống kê của Bloomberg, trong năm tài khóa 2017, khoảng 15% doanh thu của Starbucks (tương đương 3,2 tỷ USD) đến từ thị trường Trung Quốc và châu Á Thái Bình Dương. Hiện Starbucks có 3.300 cửa hàng ở Trung Quốc, so với khoảng 12.000 cửa hàng ở Mỹ.
Việc Starbucks đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Trung Quốc được đánh giá là nhu cầu tất yếu của doanh nghiệp khi các cửa hàng Starbucks ở Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đơn vị kinh doanh cà phê mọc lên như nấm và những chiến dịch giảm giá sốc của các đối thủ kinh doanh đồ ăn nhanh. Người tiêu dùng cũng đang chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua hàng online tại nhà.
Ở Trung Quốc, nơi văn hóa quán cà phê chưa đậm nét như văn hóa uống trà, còn thương mại điện tử lại phát triển mạnh, các quán cà phê Starbucks chủ yếu hiện diện tại những địa điểm sang trọng hơn là bình dân.
Ông Johnson cũng nói thêm rằng mặc dù doanh số bán hàng tại Mỹ chưa được như mong đợi, song kết quả làm ăn tích cực của các cửa hàng mới mở cho thấy công ty vẫn đang đi đúng hướng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tại Mỹ trong phạm vi mục tiêu đã đề ra.
![]() |
[Caption]Việc Starbucks đẩy mạnh hoạt động tại Trung Quốc là nhu cầu tất yếu |
Thỏa thuận với Nestle
Việc ký thỏa thuận hợp tác với Nestle vừa mang lại tiền, vừa tạo ra cơ hội cho Starbucks đặt chân vào một thị trường hoàn toàn mới ở Trung Quốc. Nestle giờ đây có thể bán các sản phẩm cà phê đóng gói mang thương hiệu Starbucks tại các siêu thị, nhà hàng và quán ăn Trung Quốc. Đó là điều mà trước đây Starbucks chưa từng làm được.
Mối quan hệ của Nestle với các nhà phân phối cho phép họ tiếp cận tới 1,5 triệu cửa hàng ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Và, Starbucks xác định việc giới thiệu các sản phẩm này sang Trung Quốc sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
Bên cạnh thương hiệu Starbucks, thỏa thuận với Nestle còn bao gồm cả Starbucks VIA, Torrefazione Italia và Teavana - những thương hiệu cũng rất được ưa chuộng.
Nestle và Starbucks còn lên kế hoạch hợp tác biến cà phê trở thành sản phẩm nông nghiệp bền vững thông qua nghiên cứu phát triển và hỗ trợ nông nghiệp, ông Johnson chia sẻ.
Trong vòng vài tháng tới đây, Starbucks sẽ công bố một chính sách mới cho phép đặt hàng qua điện thoại di động tại Trung Quốc, Giám đốc điều hành Starbucks Trung Quốc Belinda Wong cho biết. Hiện tại, 60% giao dịch tại các cửa hàng Starbucks ở Trung Quốc có áp dụng thanh toán di động.
Sự có mặt của thương hiệu cà phê này còn tạo ra 10.000 việc làm mỗi năm ở Trung Quốc với chế độ đãi ngộ được đánh giá là chiều lòng người lao động, ví dụ mua bảo hiểm sức khỏe cho cả bố mẹ của nhân viên.
Hải Châu