Suốt 5 năm qua, Singapore độc chiếm danh xưng "thành phố đắt đỏ nhất thế giới".
Giảm gánh nặng chi phí
Mặc dù nền kinh tế Singapore vẫn đang vận hành hiệu quả với tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp và mặt bằng tiền lương cũng có những bước tiến khả quan, song nhiều người dân nước này vẫn cảm thấy thu nhập của họ còn hơi "đuối" so với tốc độ tăng chi phí sinh hoạt.
Một số nguyên nhân có thể kể đến bao gồm các khoản chi mà các cặp vợ chồng trẻ phải đổ vào nhà ở và nuôi con nhỏ, chi phí y tế cho người già, du lịch, ăn uống, hay lạm phát.
Trước tình hình đó, chính phủ Singapore sẽ có một vài thay đổi trong các chương trình chăm sóc sức khỏe và nhà ở, dự kiến kéo dài tới 50 năm và tác động tới các thế hệ tương lai cũng như đặt ra yêu cầu nền kinh tế phải phát triển mạnh để bảo đảm đủ nguồn lực tài chính thực hiện ý tưởng.
Trong lĩnh vực y tế, chương trình hỗ trợ sức khỏe cộng đồng sẽ được mở rộng cho tất cả đối tượng người dân Singapore có bệnh mãn tính, bất kể giàu nghèo. Nhiều phòng khám đa khoa mới cũng sẽ được xây dựng trên khắp cả nước để cải thiện khả năng tiếp cận của người dân.
Những khoản hỗ trợ tài chính cho công tác chăm sóc người cao tuổi cũng sẽ được bổ sung, giúp mở rộng phạm vi bao phủ tới tất cả người dân Singapore sinh từ năm 1980 trở về sau. Chính phủ sẽ giúp chi trả chi phí y tế cho những thế hệ sinh sau thời kỳ độc lập (những năm 1960), cũng như tiếp tục cải tiến nhiều chương trình liên quan khác.
Với vấn đề nhà ở, chính phủ Singapore sẽ áp dụng chính sách cho thuê nhà ở công cộng trong 99 năm để bảo đảm công bằng cho các thế hệ tương lai vì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thiếu nhà ở nếu đất tiếp tục được "mua đứt bán đoạn".
Dự kiến, giai đoạn đầu tiên của việc nâng cấp các khối nhà ở công cộng xây trước năm 1997 sẽ ngốn của chính phủ hơn 4 tỷ USD. Một chương trình mới cũng sẽ được triển khai trong vòng 20 năm tới, cho phép người dân bỏ phiếu về việc cải tạo các khu nhà trước khi hợp đồng thuê 99 năm hết hạn.
Singapore đã và đang phải đối mặt với thực tế nguồn cung nước ngọt vô cùng khan hiếm, phải nhập khẩu nhiều từ nước ngoài, trong khi chi phí sản xuất nước sạch tăng đáng kể qua các năm.
Vì thế, trước mắt, chính phủ sẽ cho xây dựng thêm nhiều nhà máy khử muối để nâng cao khả năng tự sản xuất nước sạch ở Singapore.
Singapore - "thành phố đắt đỏ nhất thế giới" suốt 5 năm qua |
Nhiều quyết sách trọng đại
Trong lĩnh vực điện, việc cố định giá điện được cho là không bảo đảm tính bền vững về mặt tài chính, không phải là cách tốt nhất để hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Trong khi đó, để giúp kiềm chế giá sữa công thức cho trẻ sơ sinh, chính phủ Singapore sẽ thành lập một đơn vị đặc biệt tập trung vào việc đơn giản hóa quy trình nhập khẩu và thắt chặt các quy định về ghi nhãn.
Ngoài ra, chính phủ sẽ xây dựng thêm các khu ẩm thực để đáp ứng nhu cầu ăn ngoài ngày càng nhiều của người dân Singapore. Thậm chí, nước này còn tính tới việc đề xuất đưa văn hóa bán hàng rong vào danh sách di sản văn hóa của UNESCO.
Trước những căng thẳng toàn cầu hiện nay, Singapore duy trì quan điểm sẽ không có bên nào thắng trong cuộc chiến thương mại và khi đó, các nền kinh tế nhỏ, mở cửa sẽ dễ bị tổn thương nhất.
Singapore chắc chắn cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Singapore kỳ vọng ASEAN sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với đảo quốc này, đặc biệt là hai nước láng giềng Malaysia và Indonesia.
Hiện nay, chính phủ mới của Malaysia đang muốn xem xét lại một số dự án cơ sở hạ tầng với Singapore, bao gồm cả việc trì hoãn dự án đường sắt cao tốc giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng muốn đàm phán lại thỏa thuận về nước sạch năm 1962, nhưng Singapore nhấn mạnh thỏa thuận đó là bất khả xâm phạm và phải tuân thủ nghiêm chỉnh các điều khoản đã ký kết.
Hải Châu