Sau khi đạt thỏa thuận trị giá 7,15 tỷ USD hồi tháng 5/2018 để được độc quyền phân phối cà phê và trà của chuỗi cà phê nổi tiếng nhất nước Mỹ, Nestlé sẽ chính thức bán các loại hạt cà phê, cà phê rang và cà phê xay, cũng như viên nén cà phê dán nhãn Starbucks cho những ai thích uống Nespresso và Nescafe Dolce Gusto.
Lên kệ và lên mạng
Sản phẩm sẽ được bày bán tại các cửa hàng tạp hóa và bán online ở 14 thị trường, bao gồm Bỉ, Brazil, Chi - lê, Trung Quốc, Mexico, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Anh, trước khi mở rộng ra các địa bàn khác vào cuối năm nay, theo thông báo của tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới này.
Khi được hỏi liệu việc ra mắt các viên nén cà phê Starbucks Nespresso có thể giúp Nespresso trở lại quỹ đạo tăng trưởng hai con số hay không, ông Patrice Bula - Phó Chủ tịch điều hành Nestlé và cũng là người phụ trách các hoạt động kinh doanh chiến lược, tiếp thị, bán hàng và Nespresso, không giấu giếm kỳ vọng và cả “tham vọng rất lớn”.
Ông Bula còn tự tin có thể thúc đẩy hơn nữa mảng kinh doanh cà phê Nestle vốn đang rất thuận lợi tại Mỹ và nhìn thấy tiềm năng lớn ở các thị trường đông dân như Ấn Độ và Trung Quốc. “Đây là một bước ngoặt đối với chúng tôi, một bệ phóng tăng trưởng mới, một thời điểm mà chúng tôi có thể tăng tốc trong phân khúc cao cấp”, ông nói thêm.
Starbucks - chuỗi cà phê lớn nhất thế giới, đã bán cà phê đóng gói - bao gồm nhiều loại cà phê nguyên hạt, uống liền, cà phê xay hay cà phê túi lọc để sử dụng cho các máy pha cà phê - trên toàn Bắc Mỹ và ở một số thị trường quốc tế trong nhiều năm qua.
Nestlé thì đang ngày càng mở rộng danh mục sản phẩm hiện có và muốn “đánh chiếm” các thị trường mới.
Thỏa thuận ký kết hồi tháng 5 năm ngoái cho phép Starbucks tập trung phát triển các quán cà phê của mình. Starbucks đã có gần 30.000 quán cà phê được cấp phép trên toàn cầu tính đến cuối năm 2018, trong khi một năm trước đó là hơn 28.000 quán. Mảng kinh doanh sản phẩm đóng gói của Starbucks tạo ra doanh thu khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Chuỗi cà phê này dự kiến sẽ mở thêm gần 600 cửa hàng tại Trung Quốc trong năm tới và triển khai mạnh ở một thị trường hâm mộ cà phê cuồng nhiệt là Italia.
![]() |
Nestlé đã sẵn sàng để bán các loại cà phê dán nhãn Starbucks |
Đôi bên cùng có lợi
Trong khi đó, Nestlé - với bề dầy truyền thống trong ngành bán lẻ, sẽ giúp cà phê Starbucks đặt chân vào các siêu thị trên toàn cầu. Nestlé có tuổi đời đã 150 năm và là một trong những công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới, trụ sở chính đặt tại Vevey (Thụy Sĩ). Các sản phẩm hiện nay của thương hiệu này bao gồm từ nước khoáng, thực phẩm cho trẻ em, cà phê và các sản phẩm từ sữa.
Theo thống kê, hãng này đang có hơn 2.000 nhãn hiệu khác nhau, từ các thương hiệu biểu tượng toàn cầu đến địa phương và hiện diện tại 191 quốc gia trên toàn thế giới.
Thương vụ trên được ký kết trong bối cảnh Nestle phải nỗ lực chiếm lĩnh thị trường đồ uống cao cấp ở Mỹ, nơi Nespresso và Nescafe đã vượt qua JAB Holding Co - công ty của gia đình tỷ phú châu Âu Reimann, dù họ đã chi tới 30 tỷ USD để xây dựng đế chế cà phê bằng cách mua lại Keurig Green Mountain and Peet’s.
Trước đó, Nestlé gặp khá nhiều khó khăn tại thị trường Mỹ trong nhiều năm, song dưới sự lãnh đạo của CEO Ulf Mark Schneider, cà phê đã trở thành mặt hàng được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của công ty, đặc biệt là tại Mỹ.
Kể từ khi ông Schneider đảm nhiệm vị trí CEO năm 2017, Nestlé đã mua phần lớn cổ phần của thương hiệu Blue Bottle Coffee cao cấp có trụ sở tại bang California, cùng với thương hiệu Chameleon Cold Brew tại Texas, Mỹ.
Chưa dừng lại ở đó, trong thời gian tới, Nestlé có thể sẽ xem xét tiến hành một số thương vụ thâu tóm mang tính chiến lược nữa trong lĩnh vực cà phê, theo lời ông David Rennie, người đứng đầu mảng kinh doanh cà phê của tập đoàn này.
Hải Châu