Vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được thúc đẩy để giảm nhiệt cho ngành ngân hàng vốn đang loay hoay chưa xong với số nợ xấu kỷ lục.
Sau cuộc họp quý của hội đồng điều hành, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ (SEBI) đã tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn thị trường tài chính thời gian qua, kết hợp với kết quả tham vấn tổ chuyên gia để dự thảo một số thay đổi chính sách.
Chống rò rỉ thông tin
SEBI cho biết sẽ xin phép chính phủ bổ sung thêm quyền hạn cho mình trong công tác giám sát, đặc biệt là quyền trực tiếp can thiệp các cuộc gọi khả nghi và các giao dịch trao đổi thông tin qua mạng. Hiện tại, cơ quan này mới chỉ có quyền truy cập hồ sơ lịch sử cuộc gọi trong trường hợp phải điều tra các vụ việc vi phạm.
SEBI cũng đề xuất sửa đổi quy định về việc chia sẻ những thông tin nhạy cảm về giá chưa công bố nhằm bảo đảm các công ty có cơ chế kiểm soát nội bộ hiệu quả.
Hiện nay, cơ quan chức năng Ấn Độ đang tiến hành một cuộc điều tra về bảo mật thông tin từ năm 2017, sau khi phóng viên tờ Reuters phát hiện ra tình trạng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp bị rò rỉ và chia sẻ trên các nhóm chat WhatsApp trước thời điểm công bố chính thức.
Liên quan tới các quy định về quản lý quỹ, SEBI cho biết trong thời gian qua đã tham vấn các chuyên gia trong lĩnh vực này và được khuyến nghị nên nới lỏng một số ràng buộc đối với quỹ đầu tư nước ngoài có sự tham gia của người Ấn Độ không thường trú.
Về cơ bản, SEBI ủng hộ chủ trương trên và hoàn toàn nhất trí với đề xuất cho phép những người Ấn Độ không thường trú được đầu tư với tư cách là danh mục đầu tư nước ngoài (FPI) nếu sở hữu cá nhân dưới 25%, hoặc sở hữu nhóm dưới 50% trong quỹ.
Đối với các quỹ đầu tư có sự tham gia của thường trú nhân Ấn Độ cũng có những vấn đề riêng. Tháng 4 năm nay, Ấn Độ ban hành một thông tư thắt chặt quy định đầu tư nước ngoài đối với các công ty có gốc Ấn Độ, khiến nhiều nhà quản lý quỹ thở ngắn than dài và thị trường tài chính Ấn Độ lập tức chịu tác động xấu.
Các nhà quản lý quỹ cho rằng những hạn chế này sẽ gây khó khăn cho 75 tỷ USD quỹ nước ngoài do người Ấn Độ quản lý. Trong khi đây là cấu phần đáng kể trong tổng danh mục đầu tư nước ngoài hiện tại ở Ấn Độ (khoảng 450 tỷ USD).
Ấn Độ đang tiến hành một cuộc điều tra về bảo mật thông tin từ năm 2017 |
Giảm tải cho ngành ngân hàng
Ngoài các vấn đề trên, SEBI còn cho hay sẽ điều chỉnh một số quy định về giải quyết tranh chấp; theo đó, các bên liên quan đến tranh chấp với cơ quan quản lý có thể tham gia giải quyết mà không bắt buộc phải công khai nhận lỗi.
Tuy nhiên, SEBI khẳng định sẽ không giải quyết những trường hợp mà hệ quả của nó có thể tác động mạnh tới thị trường hay gây tổn thất cho các nhà đầu tư. Những đối tượng cố tình đâm đơn phá sản dù còn khả năng trả nợ, hoặc vi phạm hoạt động kinh tế sẽ không đủ tư cách tham gia giải quyết tranh chấp.
Một điểm đáng chú ý liên quan tới tín dụng doanh nghiệp là từ 1/4/2019 trở đi, các công ty lớn sẽ phải tích cực huy động trên thị trường trái phiếu sao cho tối thiểu 25% số vốn đi vay bổ sung mỗi năm đến từ thị trường trái phiếu.
Quy định này nhằm thúc đẩy vai trò thị trường trái phiếu doanh nghiệp Ấn Độ và giảm nhiệt cho ngành ngân hàng vốn đang loay hoay chưa xong với số nợ xấu kỷ lục.
Trong số các thay đổi chính sách dự kiến, Ấn Độ dự kiến cho phép một số tổ chức nước ngoài có tiếp xúc với thị trường thương phẩm Ấn Độ được tham gia vào các thị trường phái sinh thương phẩm của quốc gia này. Ngoài ra, SEBI cũng công bố các biện pháp yêu cầu các quỹ tương hỗ cắt giảm chi phí đang thu của nhà đầu tư.
Hải Châu