Bộ Tài chính Anh dự kiến quyết định này giúp bổ sung cho ngân sách 400 triệu Bảng mỗi năm.
“Rõ ràng đã không có sự công bằng khi các doanh nghiệp nền tảng kỹ thuật số có thể tạo ra doanh thu đáng kể ở Anh, nhưng lại không phải nộp thuế”, Bộ trưởng Tài chính Anh - ông Philip Hammond, nêu quan điểm trong bài phát biểu ngân sách hàng năm vào hôm 29/10 vừa qua.
Hướng tới thay đổi
Ông Hammond cũng “rào” trước rằng chính sách thuế sẽ được xây dựng theo hướng tập trung vào các tập đoàn công nghệ đã khẳng định tên tuổi với doanh thu toàn cầu tối thiểu 500 triệu USD, thay vì cộng đồng khởi nghiệp còn non trẻ. Một số mô hình kinh doanh kỹ thuật số như công cụ tìm kiếm, mạng xã hội hay chợ điện tử sẽ là trọng tâm đánh thuế.
Bộ Tài chính Anh dự kiến từ tháng 4/2020 sẽ bắt đầu đánh thuế 2% doanh thu mà doanh nghiệp có được từ người dùng nước này, góp phần bổ sung cho ngân sách 400 triệu Bảng mỗi năm.
Con số 400 triệu Bảng không phải là nhỏ, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn là “tép riu” nếu biết rằng doanh thu của một mình Amazon trong năm nay có thể lên tới 233 tỷ USD. Tuy nhiên, các tập đoàn công nghệ lớn không thể vì thế mà xem nhẹ, bởi sau đây rất có thể nhiều quốc gia khác sẽ học tập Anh để ban hành những sắc thuế tương tự.
Các công ty internet luôn khẳng định họ tuân thủ quy định pháp luật về thuế, nhưng thực tế lại nộp thuế rất ít ở châu Âu bằng cách đi đường vòng qua một số quốc gia có thuế suất vô cùng thấp, như Ai-len hay Luxembourg.
Facebook chính là một ví dụ điển hình. Doanh thu của Facebook ở Anh năm 2017 là 1,27 tỷ Bảng, nhưng lợi nhuận chịu thuế chỉ có 62 triệu Bảng, nghĩa vụ thuế là 15,8 triệu Bảng và sau khi thưởng cổ phiếu cho người lao động thì chỉ phải nộp 7,4 triệu Bảng - tức là chưa bằng 1% doanh thu.
Ông Hammond cho biết nước Anh đã cố gắng đi đầu trong việc cải cách các hệ thống thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng tiến độ vẫn còn chậm chạp và “nói nhiều hơn làm”.
Thái độ dứt khoát trong việc ban hành chính sách thuế mới cho thấy nước Anh muốn thực sự thay đổi và trở thành tấm gương cho các quốc gia khác noi theo.
Tuy nhiên, với việc các doanh nghiệp Mỹ đang chiếm số đông trong cộng đồng công nghệ và trở thành mục tiêu chính của nước Anh, chưa chắc chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ủng hộ chủ trương này.
Cải cách chậm chạp
Ủy ban châu Âu (EC) thì khác. EC đã từng đề xuất hồi tháng 3, rằng các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) sẽ đánh thuế 3% đối với các khoản thu từ dịch vụ kỹ thuật số của các công ty lớn như Google và Facebook.
Cũng dễ hiểu thôi, bởi sự bá chủ công nghệ của Mỹ ngày càng khiến châu Âu “ngứa mắt”. Trong khi Thung lũng Silicon thu hút hàng tỷ người dùng khắp thế giới, làm ăn phát đạt và được định giá cao ngất ngưởng, thì người châu Âu tỏ ra đuối hơn. Rất ít công ty công nghệ của châu Âu có giá trị quá 30 tỷ USD, trong khi các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ mà đầu tàu là Facebook, Amazon, Apple và Alphabet đã chạm ngưỡng nghìn tỷ USD.
Bởi vậy, việc EU ban hành nhiều án phạt khác nhau đối với doanh nghiệp Mỹ vì lý do vi phạm quyền riêng tư, phản cạnh tranh, trốn thuế... cũng không có gì ngạc nhiên.
Tuy nhiên, ý tưởng đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số lại bị chính các quốc gia châu Âu như Ai-len phản đối, do lo ngại mất lòng doanh nghiệp và mất nguồn thu. Một số nước Bắc Âu cũng cho rằng nó cản trở sự đổi mới sáng tạo và dễ bị Mỹ trả đũa.
Ông Hammond cho biết chính sách thuế của Anh sẽ áp dụng cho đến khi tìm ra một giải pháp dài hạn mang tính toàn cầu. OECD hy vọng một thỏa thuận về thuế xuyên biên giới có thể ra đời trong hai năm tới, nhưng vẫn còn nhiều điểm bất đồng giữa các quốc gia, cho dù đã đàm phán gần nửa thập kỷ,
Từ nay đến lúc đó, chính phủ Anh vẫn sẽ lắng nghe phản hồi từ các bên liên quan để bảo đảm mọi việc diễn ra suôn sẻ và hợp lý hợp tình, đồng thời vẫn giữ được tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước nhằm thu hút cộng đồng khởi nghiệp và kinh doanh công nghệ.
Hải Châu