Đề xuất trên là sản phẩm mới nhất trong chương trình xây dựng pháp luật của Ấn Độ nhằm thúc đẩy việc "nội địa hóa" dữ liệu tại quốc gia này.
Hiện nay, dự luật bảo vệ dữ liệu của Ấn Độ sắp sửa được hoàn thiện, trong khi yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại chỗ đối với các khoản thanh toán online và thương mại điện tử cũng đã được tính đến, bên cạnh dịch vụ điện toán đám mây.
Pháp điển hóa việc lưu trữ tại chỗ
Đây cũng là thời điểm nhiều nơi khác trên thế giới đang đẩy mạnh hoạt động giám sát cách thức lưu trữ dữ liệu người dùng của giới công ty công nghệ.
Tháng 7 vừa rồi, cảnh sát liên bang Ấn Độ đã vào cuộc điều tra scandal Cambridge Analytica lợi dụng dữ liệu tài khoản Facebook bị rò rỉ, trong đó được cho là có cả thông tin của người dùng tại Ấn Độ.
Khung pháp luật công nghệ thông tin của Ấn Độ hiện nay chưa quy định chặt chẽ đối với điện toán đám mây.
Vì thế, nhu cầu đặt ra là phải bổ sung chính sách nhằm pháp điển hóa việc lưu trữ tại chỗ dữ liệu đám mây và các dữ liệu khác liên quan đến cá nhân, tổ chức Ấn Độ hoặc được tạo ra ở Ấn Độ.
Khi đó, cơ quan chức năng Ấn Độ cũng được thuận tiện hơn trong việc truy cập thông tin để phục vụ các cuộc điều tra.
Dự kiến dự thảo trên sẽ sớm được gửi tới Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ xem xét trong tháng này, hoặc chậm nhất là giữa tháng 9.
Ban soạn thảo nhấn mạnh việc Ấn Độ cần đề cao công tác bảo vệ chủ quyền dữ liệu (đặc biệt là trong bối cảnh dữ liệu di chuyển dễ dàng xuyên biên giới trong môi trường mạng như hiện nay), bảo đảm dữ liệu tạo ra từ Ấn Độ được sử dụng vì lợi ích của người dân, chính phủ và cả khu vực tư nhân Ấn Độ, đồng thời phát triển "chiến lược điện toán đám mây quốc gia" để dần dần xây dựng một khuôn khổ pháp lý và chính sách nhất quán áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Thị trường dịch vụ điện toán đám mây công cộng Ấn Độ được dự báo sẽ tăng quy mô hơn gấp đôi, lên 7 tỷ USD, vào năm 2022. Công ty nghiên cứu thị trường Gartner ước tính việc tuân thủ yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại Ấn Độ có thể khiến chi phí phần mềm cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp tăng 10%, lên 3,6 tỷ USD vào năm 2018.
Hơn 80% trung tâm dữ liệu của Ấn Độ hiện nay chỉ tập trung ở 5 thành phố lớn |
Thách thức về cơ sở hạ tầng
"Giật mình" nhất hẳn phải là các đại gia công nghệ như Amazon, IBM và Microsoft, Google, Oracle hay Salesforce. com. Những công ty này hoặc đã từng tham gia sáng kiến của chính phủ Ấn Độ về điện toán đám mây, hoặc có thị phần lớn trong ngành.
Dư luận trong và ngoài Ấn Độ lập tức dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Đại diện một công ty công nghệ nước ngoài cung cấp dịch vụ đám mây ở Ấn Độ cho rằng đề xuất trên mang tính bảo hộ quá cao, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa. Một số ý kiến khác thì bày tỏ lo ngại nó sẽ làm phát sinh chi phí và gây xáo trộn hoạt động kinh doanh.
Ngay cả với các doanh nghiệp Ấn Độ, việc phải di chuyển dữ liệu về quê hương đồng nghĩa với tăng số lượng và quy mô của các trung tâm lưu trữ dữ liệu trong nước để phù hợp với dữ liệu hiện đang được lưu trữ ở nước ngoài, mà chi phí năng lượng tại Ấn Độ vẫn còn cao và cần phải xin nhiều loại giấy phép khác nhau cho hoạt động này.
Rắc rối đó đi ngược lại lợi ích cốt lõi của điện toán đám mây là giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận từ xa các chương trình, phần mềm ở các trung tâm dữ liệu, tiết kiệm chi phí vận hành vì không phải tốn tiền đầu tư riêng các trung tâm lưu trữ dữ liệu. Mặt khác, chi phí tăng khiến khách hàng cuối cùng phải chịu một mức giá cao hơn.
Muốn triển khai hiệu quả chính sách lưu trữ dữ liệu tại chỗ, doanh nghiệp còn phải nhanh chóng thành lập các trung tâm dữ liệu, trong khi trên thực tế thực trạng cơ sở hạ tầng và liên kết mạng tại Ấn Độ còn nhiều bất cập.
Về phía chính phủ, hơn 80% trung tâm dữ liệu của Ấn Độ hiện nay chỉ tập trung ở 5 thành phố lớn. Ấn Độ sẽ phải định hình thêm 20 địa điểm phù hợp nữa để đáp ứng nhu cầu hạ tầng phục vụ chính sách, đồng thời cân nhắc áp dụng ưu đãi để khuyến khích phát triển.
Hải Châu