Đề xuất trên như trút được gánh nặng cho những đại gia như MasterCard, Visa hay American Express. Các công ty này lo ngại sẽ tốn hàng triệu USD nếu phải đáp ứng quy định hiện hành và tạo tiền lệ cho các nước khác làm theo trong bối cảnh quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu người dùng đang là chủ đề thu hút sự quan tâm trên toàn cầu.
Tìm kiếm giải pháp hài hòa
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tích cực thúc đẩy các phương thức thanh toán kỹ thuật số và không dùng tiền mặt, nhằm tăng cường tính minh bạch trong cuộc chiến chống tham nhũng và các giao dịch kiểu “chợ đen”.
Thế nhưng tháng 4 vừa qua, hàng loạt công ty thanh toán quốc tế bất ngờ nhận được văn bản của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI), về việc tất cả dữ liệu thanh toán của khách hàng trong vòng 6 tháng phải được lưu trữ tại chỗ để phục vụ công tác theo dõi, giám sát.
Trước phản ứng không đồng thuận từ các công ty thanh toán, Bộ Tài chính Ấn Độ đã phải tổ chức họp với RBI và đại diện doanh nghiệp để tìm ra giải pháp hài hòa.
Ví dụ như cho phép các công ty lưu trữ dữ liệu bên ngoài biên giới, nhưng phải có bản sao lưu tại Ấn Độ. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất phân loại dữ liệu cần được lưu trữ và lộ trình thực hiện chỉ thị của RBI.
Giám đốc điều hành RBI - S. Ganesh Kumar, cho biết ngân hàng trung ương hiểu được băn khoăn của doanh nghiệp và đang trong quá trình ban hành thông tư hướng dẫn, đồng thời sẽ cân nhắc các ý kiến góp ý.
Đại diện một công ty thanh toán nhận định đây là một bước tiến lớn cho thấy Ấn Độ có định hướng tích cực đối với các doanh nghiệp, khi thể hiện thái độ cầu thị trong việc giải quyết một số nhức nhối lớn nhất của lĩnh vực thanh toán.
Một số người hy vọng điều này sẽ là tiền lệ cho chính phủ các nước khác cân nhắc, đồng thời giúp công tác xử lý và phân tích dữ liệu (hiện đang được thực hiện bên ngoài biên giới) sẽ không bị gián đoạn.
Hệ sinh thái thanh toán ở Ấn Độ đã “mở rộng đáng kể” |
Cái lý của cơ quan chức năng
Trước khi Bộ Tài chính Ấn Độ vào cuộc, RBI tỏ ra khá cứng rắn trước nỗ lực vận động hành lang của các công ty thanh toán quốc tế và yêu cầu họ tuân thủ thay vì ca cẩm phàn nàn.
Đại diện doanh nghiệp cho rằng việc lưu trữ toàn bộ dữ liệu ở Ấn Độ sẽ đi kèm rủi ro an ninh, như trường hợp thiên tai xảy ra sẽ rất nguy hiểm nếu không có cơ sở dự phòng để truy cập khắc phục sự cố. Ngoài ra, phải chờ đến khi có quy định về loại dữ liệu cần lưu trữ tại chỗ, họ mới có thể ước tính thời gian thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết.
Các công ty thanh toán quốc tế hiện đang lưu trữ và xử lý thông tin các giao dịch của Ấn Độ bên ngoài lãnh thổ quốc gia này. Chỉ thị của RBI được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều người Ấn Độ chuyển sang sử dụng thanh toán thẻ, một phần do quyết định của chính phủ về việc dừng lưu thông các tờ tiền có mệnh giá cao hồi tháng 11/2016.
Theo dữ liệu từ RBI, trong tháng 3 vừa qua, người dân Ấn Độ đã thực hiện giao dịch với tổng trị giá lên đến 52 tỷ USD thông qua 900 triệu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, gần gấp đôi giá trị giao dịch tháng 11/2016.
Tuy nhiên, sự phổ biến của thanh toán điện tử cũng kéo theo nguy cơ gian lận tăng cao. RBI cho rằng hệ sinh thái thanh toán ở Ấn Độ đã “mở rộng đáng kể”, cần tăng cường công tác đảm bảo an toàn và bảo mật của dữ liệu. Và, đó là lý do cơ quan này ban hành chỉ thị có phần quyết liệt như vậy.
Hải Châu