Cuộc đua smarphone tại Ấn Độ |
Số liệu này cũng đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Samsung. Họ thống trị thị trường này suốt 6 năm, nhưng đã bị Xiaomi vượt mặt cuối năm ngoái.
Xiaomi có các thiết bị giá rẻ, phù hợp với túi tiền của người Ấn Độ hơn. Đến cuối tháng 3, khoảng cách giữa Xiaomi và Samsung càng nới rộng. Sản xuất của công ty này tại đây cũng nâng lên gấp 3, nhờ 4 nhà máy mới.
Tuy vậy, quý trước, doanh thu Samsung lại tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng tốt nhất của họ kể từ quý cuối năm 2015. Đại gia điện tử Hàn Quốc cũng đang tăng năng lực sản xuất tại đây.
Hồi đầu tháng 7, Samsung tuyên bố mở “nhà máy điện thoại lớn nhất thế giới” tại ngoại ô New Delhi. Nhà máy này có thể nâng gấp đôi số điện thoại họ sản xuất tại Ấn Độ mỗi năm, từ 68 triệu lên 120 triệu chiếc năm 2020. Cả Samsung, Xiaomi và các hãng điện thoại khác cũng còn cơ hội tiếp cận hơn 800 triệu khách hàng tiềm năng tại thị trường này.
Ấn Độ hiện là thị trường smartphone lớn nhì thế giới, sau Trung Quốc, với hơn 300 triệu người sử dụng. Bất chấp sự thống trị của Samsung và Xiaomi tại đây, cơ hội cho các thương hiệu khác vẫn còn khá nhiều, Rushabh Doshi - Giám đốc nghiên cứu tại Canalys, cho biết.
Các công ty khác từ Trung Quốc cũng đang hiện diện đáng kể tại đây. Thị phần của Vivo và Oppo lần lượt là 11% và 10%.
Trong khi đó, Apple lại khá vắng bóng. Từ nhiều năm nay, iPhone vẫn rất chật vật gây dựng vị thế tại Ấn Độ. Apple không được mở cửa hàng ở đây, do quy định các hãng bán lẻ chỉ chuyên một thương hiệu phải sản xuất phần lớn sản phẩm tại địa phương.
Bên cạnh đó, giá iPhone cũng khá cao so với đa số người dân Ấn Độ, với thu nhập bình quân chưa đầy 2.000 USD/năm. Số iPhone được bán tại Ấn Độ đã giảm 50% quý trước, Doshi cho biết. Apple đã bắt đầu sản xuất một số mẫu iPhone tại nhà máy mới ở Bangalore, nhưng chủ yếu phục vụ các khách hàng giàu có.
Lê Minh