Tại nhiều làng mạc và thị trấn nhỏ của Ấn Độ đã nổ ra các cuộc biểu tình phản đối những dự án công nghiệp được phê duyệt quá nhanh.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Bộ Môi trường Ấn Độ đã và đang cắt giảm thời gian trung bình để đánh giá tác động môi trường của một dự án công nghiệp từ 600 ngày xuống chỉ còn 170 ngày.
Nhanh, nhanh hơn nữa
Trước kia, vào những năm 2010, một công ty ở bang Gujarat phải chờ 2 năm để được phép xây dựng một nhà máy thuốc diệt cỏ, khiến chi phí ước tính của dự án tăng 28% và bỏ lỡ cơ hội thị trường. Nay, chính công ty này chỉ mất có 3 tháng để nhận giấy phép nâng cấp nhà xưởng.
Sự tăng tốc trong thủ tục hành chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy khu vực công nghiệp của Ấn Độ phát triển nhanh tương ứng, sau khi giảm từ 4,6% năm 2016 xuống còn 4,3% vào năm ngoái; đặc biệt trong bối cảnh một số dự án “khủng” đang bị chậm tiến độ, như hành lang công nghiệp Delhi - Mumbai trị giá 100 tỷ USD, hay đường tàu cao tốc 17 tỷ USD do Nhật Bản hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cách làm này sẽ có tác động không nhỏ đến những doanh nghiệp đang phải loay hoay thực thi thuế doanh thu mới kể từ khi chính sách này có hiệu lực từ năm ngoái, nhưng bị dư luận phản ứng rất mạnh.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Môi trường Ấn Độ đã bật đèn xanh cho 3 dự án nhà máy nhiệt điện mới, 1 cơ sở sản xuất muội than, 2 nhà máy xi măng và mở rộng 4 mỏ than.
Số dự án được thông qua trong vòng 100 ngày chiếm tới 38% tổng số dự án, lớn hơn nhiều con số 16% của năm ngoái. Số dự án được thông qua trong 5 tháng đầu năm cũng đã tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Chính sách khiến nhiều người liên tưởng đến chủ trương của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc tăng tốc độ phê duyệt các chương trình cơ sở hạ tầng bằng cách rút ngắn thời gian đánh giá tác động môi trường những dự án lớn xuống dưới 21 tháng, thay vì tính bằng năm như hiện nay.
Không phải người dân Ấn Độ nào cũng ủng hộ việc đẩy nhanh quá trình này, nhất là các nhà hoạt động môi trường hay những gia đình sống gần dự án.
Ngành xây dựng và các nhà máy điện đốt than của Ấn Độ được cho là những tác nhân chính làm gia tăng mật độ hạt ô nhiễm trong không khí.
Chỉ số PM10 chuyên dùng để đo nồng độ hạt có đường kính 10 micron trở xuống trong không khí (những hạt này chủ yếu là bụi kèm theo chất độc từ các khí thải khác) đã đạt mức cao nhất đo được là 999 tại thủ đô New Delhi vào tuần trước, vượt xa mốc 500 vốn đã là ngưỡng “nguy hiểm” đến mức người được khuyến cáo không nên ra đường.
Các nhà máy nhiệt điện là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở Ấn Độ ngày càng trầm trọng |
Vấp phải sự phản đối mạnh mẽ
Chính phủ sau đó đã phải tạm dừng các hoạt động xây dựng tại thủ đô và một số thành phố lân cận để giảm bớt ô nhiễm, giúp chỉ số này quay về mức 124 (vẫn không tốt cho sức khỏe). Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Ấn Độ có tới 14 thành phố nằm trong nhóm ô nhiễm nhất trái đất.
Mặt khác, việc đẩy nhanh tiến độ cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến chất lượng đánh giá, chưa kể ý kiến của cộng đồng địa phương có thể bị bỏ ngoài tai.
Điều đó giải thích tại sao một số làng mạc và thị trấn nhỏ của Ấn Độ đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối những dự án công nghiệp được phê duyệt quá nhanh.
Lambada - một bộ lạc ở bang Telangana, kiên quyết phản đối dự án nhà máy nhiệt điện chạy bằng than có công suất 200 megawatt gần làng Pedaveedu mà Bộ Môi trường Ấn Độ chỉ mất có 78 ngày để thông qua thay vì ít nhất 6 tháng như thường lệ.
Người dân nơi đây cũng đang phản ứng dữ dội với 2 nhà máy xi măng lớn khác trong khu vực mà họ cho là ảnh hưởng đến đường hô hấp và nhiều vấn đề khác.
Một trường hợp căng thẳng không kém là thái độ bất bình của dân làng và bộ lạc tại khu vực nhà máy luyện đồng của Vedanta ở bang Tamil Nadu, nơi mà chỉ mới tháng trước đã có 13 nhà hoạt động bị giết trong một cuộc biểu tình.
Nếu đã nhanh chóng phê duyệt tác động môi trường cho các dự án lớn, Chính phủ Ấn Độ chắc chắn cũng sẽ phải lưu ý “đẩy nhanh tiến độ” giải quyết những bức xúc như trên của người dân.
Hải Châu