Sau một thời gian tương đối bế tắc và đánh thuế trả đũa nhau đối với các mặt hàng thép và nông sản, Ấn Độ và Mỹ bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán từ tháng 6 để tìm hướng giải quyết những quan ngại của Ấn Độ về thuế thép của Mỹ và quan ngại của Mỹ về thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ thông tin của Ấn Độ.
Dừng ăn miếng trả miếng
Tương tự như các xung đột đã và đang có với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chỉ trích Ấn Độ có thái độ phân biệt đối xử trong hoạt động thương mại.
Khi ông Trump lựa chọn một số quốc gia để miễn áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung đối với thép và nhôm hồi tháng 3, Ấn Độ không nằm trong danh sách “may mắn” đó.
New Delhi lập tức trả đũa bằng quyết định tăng thuế đối với một số sản phẩm của Mỹ, nhưng lại xem xét lùi thời điểm hiệu lực từ 17/9 sang 2/11 để đàm phán tìm phương án làm dịu tình hình.
“Quan hệ của chúng tôi với Mỹ, không giống như nhiều quốc gia khác, đã không xấu đi. Nhưng nếu nghĩ rằng mối quan hệ đó trở nên rất thân thiện và thoải mái thì cũng không hẳn”, một thành viên đoàn đàm phán chính phủ Ấn Độ cho biết.
Với kim ngạch khoảng 126 tỷ USD, thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Ấn Độ trong năm 2017 chỉ bằng 1/5 so với Mỹ - Trung.
Một trong những vướng mắc rõ nét nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump liên quan đến thiết bị y tế xuất từ Mỹ sang Ấn Độ, với kim ngạch năm 2017 lên tới 863 triệu USD.
Cho rằng các hãng sản xuất thiết bị y tế hưởng tỷ suất lợi nhuận quá cao, Ấn Độ quyết định áp giá trần đối với một số loại ống stent (ống đỡ động mạch trong can thiệp tim) và phẫu thuật thay khớp gối để hỗ trợ bệnh nhân nghèo.
Biện pháp đó đã làm dậy sóng các công ty Mỹ, như Abbott Laboratories, Johnson & Johnson hay Boston Scientific, với lập luận rằng giá trần nhiều khi thấp hơn cả giá nhập, khiến họ lỗ nặng và ảnh hưởng tới các kế hoạch đầu tư trong tương lai.
Đến tháng 6 vừa rồi, cơ quan chính sách liên bang của Ấn Độ - Niti Aayog, đã tổ chức lấy ý kiến về đề xuất áp dụng trần lợi nhuận biên (chênh lệch giữa giá bán buôn và bán lẻ) thay cho giá trần, để vừa hỗ trợ bệnh nhân vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược có được lợi nhuận hợp lý.
Ấn Độ là nước xuất khẩu thịt trâu hàng đầu thế giới |
Hài hòa giá thuốc, thúc đẩy nông sản
Một trong những khu vực chính mà Ấn Độ có thể hưởng lợi là thương mại nông nghiệp, với việc Washington dự kiến sẽ nhượng bộ cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ đối với các sản phẩm như gạo, xoài, nho và vải.
Hiện tại, Mỹ chỉ nhập khẩu một phần nhỏ trong số 5,5 tỷ USD gạo xuất khẩu mỗi năm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. New Delhi rất muốn thúc đẩy tiêu thụ gạo basmati nhưng các cơ quan chức năng của Mỹ không ít lần quan ngại về tồn dư hóa chất trong mặt hàng này.
New Delhi cũng đang thảo luận cách thức đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Mỹ để bán thịt trâu bò. Ấn Độ là nước xuất khẩu thịt trâu lớn nhất thế giới, nhưng gặp khó khăn ở thị trường Mỹ, vì Washington rất “dị ứng” với những quốc gia xuất khẩu có dịch bệnh lở mồm long móng.
Về phần mình, Mỹ muốn bán được nhiều hơn hạnh nhân, anh đào và các sản phẩm từ sữa cho Ấn Độ. Ấn Độ hiện là một trong những nước nhập khẩu hạnh nhân nhiều nhất thế giới.
Mỹ cũng đang kêu gọi Ấn Độ giảm chi phí đầu vào các linh kiện thiết bị công nghệ thông tin để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ được sản xuất ở Ấn Độ.
Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Apple hay Qualcomm, những công ty đã ấp ủ kế hoạch mở rộng hoạt động sang quốc gia tỷ dân này.
Mỹ hiện cho rằng thuế suất của Ấn Độ nằm trong nhóm cao nhất trên thế giới, với độ phủ quá rộng, từ bảng mạch, màn hình cho tới chip bộ nhớ.
Hải Châu