“Gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc vừa công bố kết quả hoạt động gần đây của mình, theo đó doanh thu quý tăng mạnh 42% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 114,92 tỷ nhân dân tệ (tương đương 16,3 tỷ USD). Số tiền Alibaba có thể bỏ ra để sở hữu Kaola được tiết lộ là khoảng 2 tỷ USD.
Không có đất dụng võ
Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến với giá trị hàng hóa dịch vụ online nhiều gấp 4 lần người tiêu dùng Mỹ. Các trang bán lẻ trực tuyến hàng đầu hiện nay ở Trung Quốc là Taobao và Tmall của Alibaba và JD.com.
Nhưng khi nhiều doanh nghiệp bắt đầu đổ xô tìm kiếm cơ hội ở mảnh đất màu mỡ này, cuộc chiến giành giật khách hàng đương nhiên trở nên gay gắt và khốc liệt hơn và các công ty quy mô nhỏ dần dần bị bỏ lại phía sau.
NetEase - vốn nổi tiếng chủ yếu nhờ các sản phẩm game và âm nhạc, từng hồ hởi lao theo cơn bão thương mại điện tử và sớm nhận ra mình “không có đất dụng võ”, nên đành phải tìm cách thanh lý công ty con này.
Không giống như Alibaba, vốn chỉ hoạt động như một nền tảng cho các thương nhân kinh doanh hàng hóa, Kaola lại nhập sản phẩm từ các thương hiệu quốc tế. Tính đến cuối năm 2018, Kaola còn hợp tác với hơn 4.300 thương hiệu từ 50 quốc gia, giảm đáng kể so với thống kê 5.000 thương hiệu đối tác trước đó 6 tháng.
NetEase cũng lựa chọn một lối đi khác biệt so với các hãng công nghệ như Alibaba hay Tencent, vốn phụ thuộc vào các hệ sinh thái rộng lớn cung cấp đa dạng sản phẩm hàng hóa dịch vụ từ mua sắm cho đến thanh toán nhằm giữ chân người dùng trên nền tảng của họ càng lâu càng tốt.
“Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành William Ding cho rằng mọi người đang quá lạm dụng cụm từ “hệ sinh thái”. Ông ấy chỉ tin vào việc tạo ra sản phẩm mà thôi,” nguồn tin tiết lộ.
![]() |
Alibaba vừa công bố kết quả hoạt động gần đây của mình |
Bán đi cho “nhẹ nợ”
Theo một số chuyên gia trong ngành ngân hàng, Amazon cũng từng là một đối tác tiềm năng có thể mua lại Kaola hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, thương vụ này đổ bể từ trong trứng nước, khi “gã khổng lồ” thương mại điện tử của Mỹ quyết định đóng cửa gian hàng trực tuyến Trung Quốc (trên đó, người tiêu dùng Trung Quốc có thể mua hàng từ các thương nhân trong nước) bởi sức ép cạnh tranh quá lớn từ các đối thủ bản địa, và chuyển trọng tâm kinh doanh sang bán hàng nhập khẩu tại Trung Quốc.
Có nhận định cho rằng, thực tế là thời điểm đó cũng không có nhiều lựa chọn cho các bên. Amazon có thể đầu tư thêm ở Trung Quốc hoặc bán doanh nghiệp cho NetEase để NetEase sẽ đầu tư thêm, tuy nhiên chẳng phương án nào trở thành sự thật, bởi cả hai đều muốn bán đi cho “nhẹ nợ”. NetEase chẳng có lý do gì để giữ lại Kaola vì quy mô của nó khá khiêm tốn.
Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer dự kiến doanh số bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc sẽ đạt gần 2.000 tỷ USD trong năm nay và 2.400 tỷ USD vào năm tới. Trong khi đó, doanh số thị trường Mỹ chỉ khoảng 587 tỷ USD trong năm nay và 668,5 tỷ USD vào năm 2020.
Năm ngoái, Alibaba từng thâu tóm nền tảng thương mại điện tử Daraz để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình khi tấn công trực tiếp vào khu vực Nam Á. Daraz được thành lập vào năm 2012 bởi Rocket Internet và là trang thương mại điện tử hoạt động ở Pakistan, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka và Nepal. Đây là thương vụ thứ hai mà Alibaba thực hiện với Rocket Internet, sau lần mua lại hệ thống Lazada tại khu vực Đông Nam Á cách đây 2 năm.
Trước đó, “gã khổng lồ” này tập trung vào khu vực Ấn Độ khi đầu tư vào Paytm, cũng như mua lại Lazada với tham vọng giành lấy thị phần tại khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia đông dân tại khu vực Nam Á, ví dụ như Pakistan với dân số hơn 190 triệu người, là mục tiêu lý tưởng để Alibaba nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.
Hải Châu