Quyết định này sẽ mở ra thị trường mới cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại các quốc gia mà Alibaba đang hoạt động như Ấn Độ, Brazil và Canada. Doanh nghiệp Hoa Kỳ trước đây chỉ có thể mua hàng trên Alibaba.com, nay đã có thể đóng vai bên bán để cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ khác trên nền tảng của Alibaba.
Chủ động tiếp cận
Ước tính khoảng 1/3 số người mua trên Alibaba.com có trụ sở ở Hoa Kỳ. Trong khi đó, hơn 95% người bán đến từ Trung Quốc.
Alibaba chủ động tiếp cận các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ trong bối cảnh tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử có phần chững lại, đồng thời chịu tác động của mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như sự xuất hiện của một số đối thủ đáng gờm như Pinduoduo Inc.
Alibaba hy vọng vị thế của một nền tảng mang tính toàn cầu có thể thuyết phục các doanh nghiệp Hoa Kỳ lựa chọn mình làm nền tảng giao dịch chủ đạo. Alibaba đặc biệt quan tâm đến đối tượng doanh nghiệp sản xuất, bán buôn và phân phối.
Tháng trước, tập đoàn này đã cho ra mắt một trang web bằng tiếng Anh phục vụ sàn giao dịch Tmall Global, nhằm tăng gấp đôi số lượng các thương hiệu quốc tế xuất hiện trên nền tảng này lên con số 40.000 trong vòng 3 năm tới.
Đối thủ lớn nhất của Alibaba - Amazon, ngoài việc bán hàng của chính mình thì còn cho phép các nhà cung cấp bên thứ ba đăng bán sản phẩm trên trang web của Amazon. Những nhà cung cấp này có thể tận dụng kho hàng của Amazon hoặc chuyển trực tiếp cho khách hàng.
Thị trường thương mại điện tử B2B được định giá 23,9 nghìn tỷ USD, theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Trong khi đó, thị trường thương mại điện tử từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) được định giá 3,8 nghìn tỷ USD.
John Choi - chuyên gia phân tích của Daiwa, nhận định Alibaba không cố gắng kiếm lời trong ngắn hạn, mà chờ đợi một thị trường hoàn toàn mới sẽ được mở ra cho hoạt động kinh doanh B2B của họ.
“Alibaba.com được biết đến như là một cửa ngõ vào chuỗi cung ứng bài bản của Trung Quốc. Bây giờ họ mở cửa cho các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ để họ có thể bán sản phẩm của mình”, ông Choi nói thêm.
![]() |
Khoảng 1/3 số người mua trên Alibaba.com có trụ sở ở Hoa Kỳ |
Toàn cầu hóa nguồn cung
Doanh nghiệp Hoa Kỳ là bên bán thường phải trả một khoản phí thành viên khoảng 2.000 USD để mở gian hàng trực tuyến trên Alibaba. com, cộng với chi phí marketing và quảng cáo. Trong khi đó, Amazon tính phí người bán bên thứ ba theo tháng, hoặc theo từng sản phẩm.
Tiết lộ với báo giới, ông John Caplan - Giám đốc mảng B2B Bắc Hoa Kỳ của tập đoàn Alibaba, cho biết Hoa Kỳ là thị trường đầu tiên mà Alibaba tập trung vào toàn cầu hóa nguồn cung, song Alibaba đã có cách tiếp cận rất rõ ràng với các thị trường khác.
Tuy đang thành công ở Trung Quốc, nhưng việc mở rộng sang Hoa Kỳ đối với một công ty như Alibaba được cho là sẽ gặp thách thức không hề nhỏ. Nhiều người vẫn nhầm tưởng Alibaba hoạt động như Amazon, nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Trong khi Amazon đã xây dựng được một hệ thống logistics hàng đầu thế giới để tăng tốc độ và tiêu chuẩn hóa việc phân phối, Alibaba lại chọn cách đi tối giản, tức là hàng hóa được vận chuyển tới khách hàng thông qua các nhà cung cấp dịch vụ logistics của bên thứ ba. Alibaba đơn giản chỉ cung cấp nền tảng để khách hàng và nhà cung cấp đến với nhau.
Trong khi đó, các công ty nhỏ của Hoa Kỳ lại thiếu kỹ năng làm việc tại Trung Quốc và việc vận chuyển hàng hóa thông qua một bên thứ ba được cho là tương đối tốn kém. Việc thu hút một lượng lớn doanh nghiệp tới từ Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với việc Alibaba cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc loại trừ hàng nhái vốn đang hoành hành trên nền tảng của mình.
Hải Châu