IMF kêu gọi các quốc gia tận dụng thời cơ có một không hai này để thực hiện các cải cách cần thiết, chấn chỉnh hệ thống tài chính công.
Trong ấn phẩm Triển vọng Kinh tế thế giới được công bố trước thềm kỳ họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington (Mỹ), IMF cho biết những tín hiệu tích cực ngoài mong đợi sẽ còn tiếp tục duy trì sang năm 2018 và việc gia tăng đầu tư cũng đã bắt đầu góp phần cải thiện tình hình kinh tế trong dài hạn.
Khu vực đồng euro được dự báo sẽ có mức tăng đáng kể nhất
Nhiều tín hiệu lạc quan
Theo ông Maurice Obstfeld - chuyên gia kinh tế của IMF, lần cuối cùng kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh là năm 2010, khi phục hồi tạm thời sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, nhưng có thể sẽ chưa thấm tháp gì so với kết quả của năm nay.
IMF ước tính kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm 2017, cao hơn dự báo 3,2% đưa ra năm ngoái và có thể tăng 3,7% vào năm 2018. Tốc độ tăng trưởng này tốt hơn mức trung bình của cả thập kỷ và trở lại mức trung bình dài hạn của 30 năm qua.
Bên cạnh điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng, IMF còn đề cập đến triển vọng lạm phát thấp trên quy mô toàn thế giới, giúp cải thiện thu nhập thực tế của các hộ gia đình, tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng và chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng ở hầu hết các quốc gia.
Đi cụ thể vào nhận định đối với một số quốc gia, IMF cho rằng kinh tế Trung Quốc đang vận hành tốt hơn dự kiến nhờ bệ đỡ tín dụng ưu đãi và đầu tư công đa dạng. Dù vậy, khu vực đồng euro mới là nơi được dự báo sẽ có mức tăng đáng kể nhất, khi niềm tin đã được cải thiện và nguồn cung tín dụng trở lại bình thường.
Kinh tế Anh lại bị xem là “ngoại lệ”, do tác động từ Brexit đang rối như mớ bòng bong, khiến người dân và doanh nghiệp hạn chế chi tiêu, trong khi thu nhập bị ảnh hưởng. Dự báo dành cho Mỹ cũng giảm nhẹ, do quý I/2017 không hiệu quả lắm và khả năng xuất hiện một gói kích thích tài chính lớn đã không còn rõ nét như dự đoán hồi tháng 4.
Dự báo phụ thuộc vào giả định
Mặc dù quá trình phục hồi có xu hướng lan rộng, nhưng không phải tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi, điển hình là một số nền kinh tế mới nổi xuất khẩu nhiên liệu, hoặc những quốc gia chịu ảnh hưởng của hạn hán hay bất ổn chính trị. Năm 2017, gần 1/4 số thị trường mới nổi và các nước đang phát triển dự kiến tăng trưởng âm tính trên đầu người.
IMF kêu gọi các quốc gia tận dụng thời cơ có một không hai này để thực hiện các cải cách cần thiết, chấn chỉnh hệ thống tài chính công và ở một số nơi như Mỹ nên bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Nếu được triển khai hiệu quả, các chính sách này có thể đẩy nhanh tăng tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế thế giới và kéo dài thời gian “thụ hưởng”, bảo đảm tăng trưởng toàn diện, nâng cao mức sống của hầu hết người dân.
IMF cũng không quên cảnh báo phần lớn những dự báo tích cực của mình phụ thuộc vào giả định rằng không xảy ra cú sốc nghiêm trọng nào đối với nền kinh tế toàn cầu xuất phát từ căng thẳng địa chính trị, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, hoặc các cuộc đàm phán như Brexit hay NAFTA, khiến quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng hiện nay bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, tăng trưởng thương mại tiếp tục gây thất vọng, gần như không thể tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chứ đừng nói đến chuyện gấp đôi như giai đoạn tiền khủng hoảng.
Với một số nền kinh tế lớn, IMF cũng đưa ra cảnh báo riêng. Ví dụ như Mỹ, mặc dù các chính sách kinh tế hướng nội đã giảm bớt trong thời gian gần đây, song chủ trương bảo hộ chưa hoàn toàn biến mất và cần phải được kiểm soát.
Đối với Trung Quốc, sự chậm trễ trong việc tái cân bằng nền kinh tế theo hướng thúc đẩy dịch vụ và tiêu dùng thông qua vay mượn để đầu tư, có thể đưa tới những điều chỉnh đột ngột và lan rộng ra toàn thế giới.
Nếu không tiếp tục duy trì những nỗ lực kiểm soát tín dụng, tăng trưởng của Trung Quốc có nguy cơ sẽ sụt giảm mạnh.
Hải Châu