Tính từ đầu tháng 12 đến nay, thị giá cổ phiếu SMC đã tăng hơn 26%, dù vậy thanh khoản cũng không ghi nhận đột biến.
Hiện, cổ phiếu SMC bị HoSE đưa vào diện bị cảnh báo và kiểm soát từ ngày 10/04/2024 vì lý do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 là số âm, và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán trong 02 năm gần nhất (2022-2023) của doanh nghiệp là số âm.
Cổ phiếu SMC tiếp tục tăng trong phiên sáng 30/12. |
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (tiền thân là Cửa hàng Vật Liệu Xây Dựng số 1) được thành lập năm 1988. Lĩnh vực hoạt động chính của Công ty là sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sắt thép, hàng kim khí, vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất, thiết bị xây lắp, thiết bị cơ khí, khung kho nhà xưởng bằng cấu kiện nhôm, thép, inox.
SMC từng là một doanh nghiệp có tiếng và “ăn nên làm ra” trong ngành thép của Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn bắt đầu đeo bám doanh nghiệp này khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2022 đến nay. Hoạt động kinh doanh chững lại, cùng với khoản nợ xấu lên đến hơn 1.000 tỷ đồng từ các công ty xây dựng đã khiến công ty luôn “ngụp lặn” trong vòng xoáy thua lỗ, thậm chí doanh nghiệp đã phải bán nhiều tài sản, nhưng kết quả kinh doanh vẫn không được cải thiện.
Báo cáo tài chính quý III/2024 của SMC cho thấy, doanh thu thuần trong quý chỉ đạt 2.276 tỷ đồng, giảm mạnh 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Dù lợi nhuận gộp có cải thiện, nhưng gánh nặng chi phí tài chính vẫn đè nặng lên doanh nghiệp này. Riêng chi phí lãi vay của SMC đã lên tới gần 52 tỷ đồng.
Kết quả, SMC ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 82 tỷ đồng trong quý III, đánh dấu quý lỗ thứ 7 trong 9 quý vừa qua.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của SMC giảm gần 36% xuống còn 6.747 tỷ đồng. Tuy vậy, công ty vẫn lãi ròng 6,8 tỷ đồng, nhờ các khoản thu nhập ngoài ngành kinh doanh chính.
Kinh doanh thua lỗ, SMC còn đang phải ôm khoản nợ xấu gần 2.000 tỷ đồng từ các đối tác. Nợ xấu ngắn hạn là 1.288 tỷ đồng bao gồm nợ xấu 741 tỷ đồng tại Novaland, 440 tỷ đồng của Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận, 169 tỷ đồng của Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, 131 tỷ đồng từ Công ty TNHH The Forest City, 63 tỷ đồng từ CTCP Hưng Thịnh Incons, các đối tượng khác 484 tỷ đồng. SMC đã trích lập 558 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu ngắn hạn, tương đương 43% giá trị nợ xấu.
Trong khi đó, tổng nợ phải trả của SMC hơn 4.300 tỷ đồng đến cuối quý III/2024, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.
Kinh doanh gặp khó, mới đây SMC vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng sản lượng tiêu thụ là 620.000 tấn thép các loại và lợi nhuận sau thuế dự kiến lãi 30 tỷ đồng.
Được biết, SMC đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 là 80 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận năm 2025 đã giảm 62,5% so với kế hoạch năm nay.
Châu Giang