Doanh nghiệp phải đào tạo lại nhiều nhân viên logistics
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cả nước có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics (70% có trụ sở tại TP. HCM), trong đó 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động tích cực, 89% doanh nghiệp 100% vốn trong nước, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Giai đoạn 2017-2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 20.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, và đến năm 2030, số lượng người lao động mới cần thêm trong ngành logistics lên tới 200.000 lao động trình độ cao, đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký VLA, bất cập của việc đào tạo hiện nay là chưa đáp ứng được yêu cầu và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu kiến thức toàn diện, trình độ ICT còn hạn chế. Nhân lực cũng chưa theo kịp tiến bộ phát triển của logistics thế giới.
Ngoài ra, trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế. Chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên. Ngoài ra, lực lượng giảng viên còn thiếu và mỏng, chủ yếu chuyển từ các chuyên ngành khác sang, kiến thức thực tế còn chưa nhiều.
Chỉ ra những nguyên nhân khiến nhân lực ngành logistics Việt Nam còn thiếu chất lượng, bà Trịnh Thị Thu Hương, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, đào tạo logistics ở bậc đại học và sau đại học gặp nhiều bất cập. Chẳng hạn như, chưa có mã ngành logistics, số lượng sinh viên chưa nhiều; phần thực hành về ngành nghề cũng chưa đầy đủ.
Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Vân Hà, Trường Đại học Giao thông Vận tải nêu ý kiến, giáo trình, tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt khan hiếm, giáo trình tiếng Anh khó tiếp cận; không có mô phỏng về doanh nghiệp logistics, các phần mềm mô phỏng tối ưu toàn chuỗi không được đưa vào dạy.
Hơn nữa, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường chưa nhiều, chưa thiết thực và chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như sinh viên.
Với thực tế này, các chuyên gia đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện và hỗ trợ cho trường được cấp mã ngành cấp 4 về đào tạo logistics. Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan hỗ trợ trường trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ, tạo điều kiện tham gia vào các đề án phát triển nhân lực và vật lực, để nâng cao chất lượng đào tạo.
Vũ Hồng