Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh điều này khi khuyến nghị chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Thiếu nhân lực chất lượng
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết hiện nay cứ nói thừa lao động nhưng lao động có kỹ năng tốt lại đang thiếu trầm trọng. Những người học cao, trình độ ngoại ngữ tốt đều muốn ra nước ngoài làm việc, bằng không sẽ làm việc ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn. Trong khi đó, DN nhỏ và vừa rất khó thu hút được nguồn lao động vừa có kinh nghiệm, kỹ năng và tay nghề cao.
Tuy nhiên, ngay cả với các DN FDI, chất lượng nguồn lao động của Việt Nam lâu nay cũng luôn là điểm trừ.
Ts. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kể lại câu chuyện về một DN FDI của Nhật Bản chọn đầu tư vào Đà Nẵng vì nghĩ rằng địa phương này là trung tâm kinh tế của miền Trung – nơi hội tụ lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, sau khi tuyển dụng các kỹ sư tốt nghiệp từ Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng), DN này hoàn toàn thất vọng vì chỉ một chiếc máy đơn giản (lao động tốt nghiệp trình độ trung cấp ở Nhật làm trơn tru), lao động Việt lại không biết vận hành. Cuối cùng, DN phải gửi lao động Việt Nam sang Nhật 5 tháng để đào tạo lại.
Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam Ryu Hang Ha đánh giá sự khởi nguồn của ngành công nghiệp 4.0 xuất phát từ công nghệ và ý tưởng. Công nghệ và ý tưởng là những yếu tố được tạo nên từ bàn tay con người, nên phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa của vấn đề.
"Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhưng vẫn rất khó để bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 do đặc thù tập trung vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Vì vậy, điều quan trọng vẫn là Chính phủ phải có chính sách bồi dưỡng nguồn nhân lực kỹ thuật và chuyên môn cần thiết cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, mặc dù việc này cần có thời gian và nguồn vốn", ông Ryu Hang Ha chia sẻ.
DN nước ngoài chỉ rõ điểm yếu của lao động Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0 |
Đào tạo và phát triển tài năng
Đồng thời, ông Ryu Hang Ha cho rằng chuyển giao công nghệ cũng rất quan trọng, nhưng "công nghệ tiên tiến" nên được mạnh dạn đầu tư khi cần thiết. Nếu vẫn chỉ đơn thuần thu hút các công ty nước ngoài để giải quyết vấn đề này thì vẫn là một cách thức có nhiều hạn chế.
Các công ty phải có khả năng tuyển dụng được nhân lực kỹ thuật hoặc chuyên môn theo tiêu chuẩn của từng lĩnh vực cần thiết phù hợp với tình hình kinh doanh của mình. Để làm như vậy, các chứng chỉ được công nhận trên toàn quốc như hiện nay phải được chia nhỏ theo ngành và phân theo cấp bậc.
Ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản, cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh các nỗ lực nhằm phát triển công nghiệp địa phương theo các chuẩn mực quốc tế và đạt năng lực cạnh tranh tầm quốc tế để không bị rơi vào "bẫy tăng trưởng đi ngang" mà nhiều nền kinh tế mới nổi khác từng gặp phải, kể cả Nhật Bản.
Các yếu tố chính để hiện thực hóa công cuộc "tiến quân vào công nghiệp" là: "nâng cao năng lực công nghệ về khoa học, chế tạo chế biến" và "đào tạo, phát triển tài năng trong nước", từ đó tạo nền tảng cho "phát triển công nghiệp phụ trợ" để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh trên tầm quốc tế.
Vì vậy, Hiệp hội DN Nhật Bản đề xuất Chính phủ Việt Nam cải thiện khung pháp lý để phát triển nguồn nhân lực chuyên gia kỹ thuật trong nước. "Chúng tôi cho rằng một biện pháp sẽ có hiệu quả cao là nới lỏng các quy định về cấp thị thực cho các chuyên gia kỹ thuật lớn tuổi nhưng có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm, để mời những người này sang Việt Nam tham gia đào tạo, nuôi dưỡng các tài năng trong nước, trong vai trò "người truyền nghề", ông Koji Ito nói.
Bên cạnh đó, do cần phải có thời gian nhất định để phát triển nguồn nhân lực và tăng cường tự chủ về khoa học, công nghệ sản xuất, Hiệp hội DN Nhật Bản cũng đề xuất nên có biện pháp khuyến khích các DN có khả năng hỗ trợ của Nhật Bản có tên tuổi, năng lực công nghệ cao ở những lĩnh vực ưu tiên, đầu tư để tiến hành sản xuất, đẩy mạnh quá trình nâng cao năng suất cho Việt Nam.
"Đặc biệt trong những lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng cao nhưng hiện còn quá nhỏ bé tính trên thành phẩm đầu ra để có đủ sức hấp dẫn và trở thành mục tiêu đầu tư, chúng tôi cho rằng Chính phủ nên có chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích đầu tư, hợp tác với các DN trong nước nhằm nâng cấp công nghệ sản xuất, coi đây là biện pháp tạm thời cho đến khi đạt được quy mô phù hợp", ông Koji Ito đề xuất.
Thy Lê