Thực tế cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là trở ngại của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Khoảng cách về chất lượng nguồn lao động của Việt Nam so với nhiều quốc gia trong khu vực thậm chí có nguy cơ ngày càng tăng, vì trình độ, khả năng ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi rất nhanh năng suất lao động.
Khó khai thác lợi thế FDI
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, đại diện một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thẳng thắn nhận xét nhân lực của Việt Nam trẻ, nguồn lực dồi dào nhưng so về trình độ kỹ thuật vẫn thấp hơn Trung Quốc rất nhiều.
Trong khi đó, theo ông Bruno Angelet - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư châu Âu đòi hỏi ở Việt Nam là nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật cao. Đây là cơ hội rất tốt để mang lại nguồn việc làm với thu nhập bảo đảm, môi trường làm việc tiêu chuẩn quốc tế, tiếp thu các kỹ năng quản lý và kiến thức chuyên môn và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, cơ hội đầu tư này cũng mang tới thách thức cho hệ thống giáo dục Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực. “Việt Nam có thể tự hào về lực lượng lao động cần mẫn với tỷ lệ biết đọc, viết cao. Tuy nhiên, để làm việc tại các DN châu Âu, người lao động cần có sự chuẩn bị tốt hơn cũng như kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn thực tiễn”, ông Bruno Angelet cho biết.
Ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), nhấn mạnh để Việt Nam thu hút được những dự án đầu tư lớn, việc bảo đảm nguồn nhân lực về KH-KT là rất cần thiết. Để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng kinh doanh, năng lực làm việc của người lao động trên thực tế là một yếu tố rất quan trọng.
Khó khăn lớn nhất hiện nay, cũng như “hòn đá” ngăn cản việc chuyển giao công nghệ của các DN FDI với DN trong nước là sự thiếu thốn mang tính tuyệt đối về nhân lực KH-KT. Cho dù DN FDI muốn chuyển giao công nghệ, nhưng nếu Việt Nam thiếu các kỹ sư có thể nhận bàn giao thì có thể coi đây là việc không hề dễ dàng.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá thấp trình độ năng lực của lao động Việt Nam |
Tập trung đào tạo nhân lực
Còn theo ông Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Việt Nam, việc không khai thác được hết lợi thế của các nhà đầu tư nước ngoài là do chất lượng giáo dục của Việt Nam chưa tốt.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tạo dựng được một hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học đào tạo ra đội ngũ nhân sự có trình độ cao, với khả năng đổi mới sáng tạo tốt.
Khuyến nghị tới Việt Nam, ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội, nhấn mạnh đào tạo nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực rất quan trọng, xây dựng hệ thống đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề ngay từ các cấp bậc đào tạo như đại học là điều cần thiết.
Tại Nhật Bản, các chương trình đào tạo cải thiện hiệu suất làm việc, nâng cao kỹ năng tay nghề được thực hiện ngay tại nơi làm việc, hay các chương trình giáo dục giúp người trẻ có kỹ năng thực tế khi làm việc như hệ thống trường cao đẳng dạy nghề (Kosen) được chú trọng xây dựng.
Trong bối cảnh CMCN 4.0, ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT), cảnh báo lợi thế về nguồn lao động dồi dào, chi phí lao động thấp hiện nay của Việt Nam dự báo sẽ bị tác động rõ nét.
Tác động bao trùm của CMCN 4.0 đối với vấn đề việc làm là giảm nhu cầu đối với lao động giản đơn (do các xu hướng sử dụng phổ biến công nghệ tự động hóa, robot ở tương lai) và đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao hơn để có thể phối hợp sử dụng các thiết bị thông minh trong sản xuất.
Báo cáo “Thiếu hụt nguồn nhân lực năm 2016” của ManpowerGroup cũng đưa ra dự báo tới năm 2020, số lượng công việc giản đơn sẽ giảm nhanh chóng, thay vào đó là những công việc đòi hỏi kỹ năng phức tạp hơn.
Thy Lê