Muốn HTX "vượt sóng" thành công cần có người thuyền trưởng tài ba, bản lĩnh, đủ đức, đủ tài. Nhưng thực tế, với một mặt bằng chung, đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế về chuyên môn và nghiệp vụ, việc tìm hướng đi để dẫn dắt "con tàu" HTX vươn khơi trong nền kinh tế hội nhập là không hề dễ dàng.
Mong muốn nhân lực trẻ
HTX Nông nghiệp Diên An (Diên Khánh, Khánh Hòa) hiện có trên 2.000 thành viên với 17 thành viên nằm trong Ban quản lý. Đa số các thành viên Ban quản lý đều tham gia từ khi thành lập HTX, gắn bó cho đến nay và đã lớn tuổi.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân lực trẻ có trình độ về quản lý, kế thừa để phát triển HTX vô cùng khó khăn, bởi phần lớn lớp trẻ hiện nay đi ra ngoài làm ăn, ít mặn mà với công tác sản xuất tại địa phương.
Tương tự, HTX Nông nghiệp I Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) mặc dù đã đi vào hoạt động theo mô hình mới, được hỗ trợ vốn để thực hiện kế hoạch sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2018 - 2020, nhưng đến nay vẫn chưa gỡ được "nút thắt" về nguồn nhân lực có trình độ học vấn, chuyên môn cao về làm việc.
Hiện tại, hình thức sản xuất của HTX vẫn duy trì theo kiểu canh tác cũ, nên các hoạt động quảng bá chỉ mới dừng lại theo kiểu trưng bày bán sản phẩm tại một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh.
Ông Lương Công Vân - Chủ tịch Liên hiệp HTX thị xã Ninh Hòa, cho biết đội ngũ quản lý HTX đa số đã lớn tuổi nên không còn nhanh nhẹn, nhạy bén hoạt động như trước đây nữa. Giải pháp hiện nay là đào tạo và tìm kiếm những con người tâm huyết cống hiến với HTX, với các thành viên.
Không riêng tại Khánh Hòa, vấn đề nguồn nhân lực hiện đang là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của các HTX trên khắp cả nước. Vấn đề chính trong việc tuyển dụng cán bộ trẻ cho HTX hiện nay chủ yếu là do chế độ đãi ngộ và tiền lương thấp khiến nhiều cán bộ chưa phát huy hết năng lực, không gắn bó lâu dài.
Nhiều giám đốc HTX cho biết họ rất tha thiết mời lao động trẻ, có trình độ chuyên môn về HTX, nhưng nhiều năm chẳng tuyển được ai. Con em thành viên cũng chọn làm việc ở các công ty, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp…
Để phát triển HTX, cần lắm lực lượng cán bộ trẻ, có tri thức, có trình độ chuyên môn cao |
Cơ chế có, khó kinh phí
Nhận biết được tầm quan trọng của nhân lực trong các HTX, nhất là nhân lực có tay nghề cao, có khả năng quản trị, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đào tạo nhân lực cho HTX.
Trong đó, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định "Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo chính quy, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật đối với cán bộ quản lý HTX, Liên hiệp HTX, thành viên HTX".
Quyết định số 2261 ngày 15/12/2014 Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo cần bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý và thành viên HTX; nghiên cứu thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học xuống làm việc ở HTX có thời hạn để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý; chi phí đi lại từ trụ sở chính của HTX đến cơ sở bồi dưỡng (trừ vé máy bay); chi phí mua tài liệu của khóa học, chi phí tổ chức, quản lý lớp học (xây dựng giáo trình, thuê hội trường, thù lao giảng viên, tham quan, khảo sát, chi phí ăn, ở).
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 hướng dẫn về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX. Trong đó nêu rõ "Nguồn kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX do ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí bằng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để các địa phương thực hiện".
Quy định ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% trong việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX, nhưng nội dung hỗ trợ này nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được UBND cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch hỗ trợ theo các nội dung của Chương trình nên việc cân đối ngân sách của Chương trình cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX còn hạn chế.
Mặt khác, nội dung đào tạo, bồi dưỡng rất rộng, việc hỗ trợ kinh phí chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các HTX và Liên hiệp HTX. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2013 - 2016, ngân sách Trung ương hỗ trợ 155 tỷ đồng cho các bộ, ngành địa phương để thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, THT.
Hồng Nhung