Theo các chuyên gia, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất, cũng như hiệu quả lao động.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Ví dụ, Sony là nhà cung cấp điện tử hàng đầu, nhưng họ lại không có dữ liệu của người tiêu dùng nên phải liên kết với hệ sinh thái lớn mạnh như Walmart để sử dụng dữ liệu người dùng, qua đó đánh giá hành vi khách hàng nhằm đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.
Tương tự như mô hình kinh doanh hệ sinh thái của Apple là một điển hình cho sự thành công. Nếu như năm 2007 thị phần của Apple tại thị trường máy tính ít hơn 4% và không có thị phần tại hệ sinh thị trường điện thoại di động. Tuy nhiên, đến năm 2015 thương hiệu này đã thống lĩnh thị trường sản xuất điện thoại di động thông minh với lợi nhuận chiếm 92% tổng lợi nhuận toàn cầu, từng bước đẩy lùi các ông lớn trong thị trường này như: Nokia, Samsung, Sony, LG... Thành công này có được nhờ Apple đã khai thác sức mạnh của nền tảng hệ sinh thái và tận dụng những quy luật mới trong xây dựng chiến lược.
Tại Việt Nam, VNG xuất phát điểm là một công ty nhượng quyền kinh doanh trò chơi, tuy nhiên hiện nay VNG trở thành hệ sinh thái với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như: ứng dụng tin nhắn Zalo các khoản đầu tư vào Tiki, trò chơi hay thanh toán Zalo Pay...
Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, đi kèm với những thay đổi to lớn này, thể chế và khung pháp luật cần được thay đổi để bắt kịp với xu hướng mới.
Theo PGS.TS. Trần Văn Nam, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, khung pháp luật của Việt Nam cho kinh tế số đang được hoàn thiện, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ… để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số.
Hiện nhiều văn bản pháp lý của Việt Nam đang từng bước được ban hành để điều chỉnh quan hệ của các chủ thể tham gia cuộc Cách mạng 4.0 tại các văn bản Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng…
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, Luật An ninh mạng dù có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng hiện vẫn chưa có nghị định chi tiết hướng dẫn về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nên chưa hướng tới thực hiện triệt để quy định “thông tin người dùng Việt Nam chỉ được tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam”, nhằm bảo vệ thông tin người tiêu dùng có hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát các giao dịch xuyên biên giới tốt hơn.
Nói về chính sách pháp luật trong thị trường số, ông Ngô Đức Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho hay, các chính sách về nền kinh tế chia sẻ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vẫn còn nhiều nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thành quy định của pháp luật. Hơn nữa, việc xây dựng chính sách cần theo dõi, giám sát về tính thống nhất, đan xen và bổ trợ cho nhau nhằm giúp các chiến lược phát triển mang tầm nhìn dài hạn.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), về thể chế trong bối cảnh Cách mạng 4.0, có 2 vấn đề chính cần quan tâm là pháp luật và tổ chức pháp luật. Pháp luật không bao giờ theo kịp sự vận động của khoa học công nghệ, nên phải dùng các quy định của pháp luật hiện hành cộng thêm các ngoại lệ đặc thù để điều chỉnh, quản lý một số mô hình kinh doanh mới. "Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc áp dụng pháp luật như thế nào, điều này đòi hỏi người áp dụng và thi hành phải hiểu về công nghệ và các đặc thù của Cách mạng 4.0 để có biện pháp xử lý phù hợp", ông Tú nói.
Thanh Hoa