Trước những cơ hội lớn do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, để khoa học và công nghệ thật sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Đổi mới mô hình tăng trưởng
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp (DN). Lần đầu tiên, nhiều DN kích hoạt chế độ làm việc tại nhà cho nhân viên. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, thực tế dịch COVID-19 đã thúc đẩy DN này khởi động nhanh hơn. FPT chuyển từ quản trị chỉ huy sang chế độ "thời chiến", tất cả các quyết định phải thật nhanh.
Kinh tế số sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. |
"Hiện tại, phương thức làm việc online đã trở thành bình thường mới của FPT. Những công việc trước đây chỉ có thể làm trực tiếp như hỗ trợ các vấn đề về internet cho khách hàng, nay chúng tôi đã sáng tạo ra các giải pháp tiếp cận và xử lý vấn đề của khách hàng mà không cần gặp mặt", ông Khoa chia sẻ.
Để vượt qua những khó khăn "kinh khủng" trong năm 2020, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT CTCP May Sông Hồng cho biết: "Sự hối hả của các cuộc đua năng suất bởi những đơn hàng ngắn và cực ngắn do yêu cầu cung ứng siêu nhanh của thị trường ngày càng khốc liệt. Bộ máy vận hành DN đòi hỏi phải rất thông minh, lanh lợi, phải biết thiết lập, khai thác và sử dụng thành thục các công cụ quản trị DN tiên tiến như phần mềm ERP, Fast React, GSD, IntelloCut... Nếu DN không có các công cụ quản lý đó sẽ rất dễ rơi vào tình trạng rối loạn, tổn thất rất khó tránh khỏi".
Năm 2020 cũng đánh dấu bước tiến mới của Việt Nam trên Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Cụ thể, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019, thăng hạng từ vị trí thứ 71 năm 2014, được các chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá là cao hơn so với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam.
Báo cáo của WIPO cho thấy, các nước xếp trên Việt Nam trong GII 2020 đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu (năm 2019, nhóm này có 26 quốc gia và Việt Nam cũng đứng đầu). Trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam duy trì vị trí thứ 3, sau Singapore và Malaysia.
Cần chính sách đúng và trúng
Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP.HCM, dịch COVID-19 là "chất xúc tác nhanh" để DN Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số. Đặc biệt, trong bối cảnh dư dịa cho cách thức tăng trưởng dựa vào sự thâm dụng không còn nhiều, trong khi bối cảnh hiện nay đã thay đổi, với sự xuất hiện nhiều hơn của công nghệ, khoa học kỹ thuật, của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam không thể thỏa mãn với mô hình cũ. Do vậy, động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới phải là đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng, những định hướng của chu kỳ kinh tế mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số cũng phải trông chờ vào khu vực tư nhân. Bởi không giống như khu vực Nhà nước vốn được bao bọc, hỗ trợ, khu vực tư nhân đi lên từ những DN mới khởi sự, họ buộc phải xoay xở. Và khi bị dồn ép tới giới hạn, họ buộc phải sáng tạo, tìm tòi những điều mới.
"Nếu không có Uber, Grab vào Việt Nam, taxi truyền thông có tạo ra các ứng dụng gọi xe? Nếu không có làn sóng bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt của các Fintech, ngân hàng có đưa ra các ứng dụng tốt như hiện nay?", ông Bảo nhấn mạnh cần phải có chính sách để khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa thật sự hoàn chỉnh. Các khu công nghệ cao chỉ mới tập trung thu hút đầu tư (chủ yếu là FDI) vào các lĩnh vực chế tạo, gia công phần mềm (chưa có các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0). Một số tập đoàn công nghệ lớn đã đầu tư vào các khu công nghệ cao nhưng chưa tạo ra sự lan tỏa công nghệ đáng kể nào cho nền kinh tế.
Trước thực tế trên, Việt Nam cần mở rộng hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Chính phủ cần có những biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ khu vực công và khu vực tư nhân vào các startup.
Bên cạnh đó, phát triển tinh thần kinh doanh lấy văn hoá đổi mới sáng tạo là trọng tâm. Chính phủ cần ban hành các chính sách phát triển tinh thần kinh doanh và giúp DN đối phó với các thách thức của bản thân, đồng thời nhấn mạnh văn hoá đổi mới sáng tạo là trọng tâm cốt lõi trong hoạt động kinh doanh bền vững. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến hơn, và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước được công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.
"Khi bắt đầu xây dựng chính sách, cơ quan quản lý nhà nước phải xác định rõ ràng được mục tiêu của chính sách, nội dung chính sách, thật sự đặt các DN là đối tượng của chính sách và các bên chịu ảnh hưởng, có khả năng tác động tích cực đến chính sách. Việc thiết kế và thực thi chính sách lúc đó sẽ hiệu quả, đúng và trúng hơn", ông Dương nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Các DN hãy biết chớp thời cơ bằng việc tự đổi mới, tìm phương thức kinh doanh mới, tiến hành chuyển đổi số. DN to hay nhỏ đều có thể thực hiện chuyển đổi số. Hãy chuyển đổi số từ những công việc nhỏ, từ những việc mình cần. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải nhanh chóng "cởi trói", tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình kinh tế mới hoạt động và phát triển. Ông Lê Đăng Dũng Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) Sự ra đời của Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia chỉ là bước đi ban đầu, quan trọng là xây dựng trên toàn Việt Nam việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trung tâm đổi mới sáng tạo không nên ôm đồm nhiều ngành nghề, mà chọn một số ngành nghề theo xu hướng, đóng góp lớn cho đất nước để hỗ trợ. Vai trò của Trung tâm cần làm là thúc đẩy hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, cấp phép cho dịch vụ sản phẩm mới. Ông Nguyễn Quang Đồng Viện trưởng Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Việc xác định kinh tế số sẽ trở thành động cơ tăng trưởng mới cho Việt Nam trong những năm tới là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần sớm hoàn thiện hạ tầng pháp lý để thúc đẩy kinh tế số, bởi những vấn đề trên internet có nhiều điểm mới khác với trước đây, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản dữ liệu hoặc cơ sở pháp lý cho các nội dung số như trò chơi trực tuyến, xuất bản số... Đồng thời, Việt Nam cần sớm đào tạo đội ngũ nhân lực, công dân cho nền kinh tế số. |
Lê Thúy