Báo cáo của ILO được xây dựng trên cơ sở kết quả khảo sát và phỏng vấn 12.000 lao động và đại diện của 85 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn thế giới. |
Báo cáo “Triển vọng Việc làm và Xã hội năm 2021: Vai trò của nền tảng lao động số trong công cuộc chuyển đổi thế giới việc làm” đã chỉ ra rằng, các nền tảng lao động số đang tạo ra những cơ hội việc làm mới cho cả phụ nữ, người khuyết tật, thanh niên và những người yếu thế trong những thị trường lao động truyền thống. Các nền tảng cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận với một lực lượng lao động linh hoạt có kỹ năng khác nhau với quân số lớn, đồng thời mở rộng cơ sở khách hàng của họ.
Báo cáo này tập trung vào hai loại nền tảng lao động số chính. Một là các nền tảng vận hành dựa trên web, là loại hình mà ở đó người lao động thực hiện công việc từ xa trên nền tảng trực tuyến. Hai là các nền tảng dựa vào vị trí, với loại hình này các cá nhân như lái xe taxi hay nhân viên giao hàng, thường thực hiện công việc tại những vị trí địa lý nhất định.
Kinh tế số tăng trưởng nhanh và phản ứng chính sách đồng bộ
Những thách thức đối với người lao động nền tảng (người lao động làm việc trên nền tảng số) chính là điều kiện làm việc, tính thường xuyên của công việc và thu nhập, không được tiếp cận chế độ an sinh xã hội... Thời gian làm việc thường có thể kéo dài và không dự báo trước được.
Hơn một nửa số lao động nền tảng chỉ có thu nhập chưa đến 2 đô la Mỹ một giờ, thêm vào đó, có sự chênh lệch tiền lương theo giới đáng kể ở một số nền tảng. Báo cáo cho biết thêm, đại dịch COVID-19 khiến cho những vấn đề như vậy bộc lộ rõ rệt hơn.
Người lao động đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi chuyển đổi sang nền kinh tế số. |
Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức liên quan đến cạnh trạnh không công bằng, thiếu minh bạch về dữ liệu và giá cả, phí hoa hồng cao. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính và hạ tầng kỹ thuật số.
Những cơ hội mới tạo ra bởi các nền tảng lao động số đang dần xóa mờ sự phân biệt rõ rệt trước đây giữa lao động được doanh nghiệp thuê tuyển và lao động tự làm. Điều kiện làm việc phần lớn được quy định bởi các điều khoản thỏa thuận dịch vụ của những nền tảng đó, và thường do các nền tảng đơn phương quyết định. Các thuật toán dần thay thế con người trong việc phân bổ và đánh giá công việc cũng như quản lý và giám sát người lao động.
Báo cáo cho biết, với những nền tảng hoạt động vượt ra ngoài phạm vi tài phán của một quốc gia, cần thiết phải có các chính sách đồng bộ và nhất quán nhằm đảm bảo những nền tảng này đem lại cơ hội việc làm thỏa đáng và thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp bền vững.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết: “Các nền tảng lao động kỹ thuật số đang mở ra những cơ hội trước đây chưa từng có, đặc biệt là cơ hội cho phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật và các nhóm yếu thế ở mọi khu vực trên toàn thế giới. Chúng ta cần đón nhận điều này. Những thách thức mới do những nền tảng số tạo ra thì có thể được giải quyết thông qua đối thoại chính sách toàn cầu để người lao động, người sử dụng lao động và các chính phủ có thể hưởng lợi đầy đủ và công bằng từ những tiến bộ này. Mọi người lao động dù có vị thế việc làm nào đi nữa, đều cần được thực thi các quyền cơ bản của mình trong lao động.”
Sự chia rẽ kỹ thuật số
Chi phí và lợi ích của nền tảng số được phận bổ không đồng đều trên toàn thế giới. 96% mức đầu tư vào các nền tảng như vậy tập trung ở châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, 70% doanh thu chỉ tập trung chỉ ở hai quốc gia là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Các doanh nghiệp ở các nước phát triển thuê ngoài (outsource) các công việc trên nền tảng trực tuyến trên web. Các công việc này thường do người lao động ở các nước đang phát triển thực hiện, và họ thường có thu nhập thấp hơn so với người lao động làm cùng công việc ở các quốc gia phát triển. Sự tăng trưởng không đồng đều này của nền kinh tế số gây nên sự chia rẽ kỹ thuật số và nguy cơ khiến bất bình đẳng gia tăng.
Nhiều chính phủ, đại diện của doanh nghiệp và người lao động, bao gồm cả công đoàn, đã bắt đầu xử lý một số vấn đề này nhưng cách họ xử lý lại rất khác nhau. Điều này khiến cho tất cả các bên đều cảm thấy bất an.
Báo cáo cho biết, do các nền tảng lao động số hoạt động ngoài phạm vi tài phán của một quốc gia, cần thiết phải có đối thoại chính sách và cơ chế điều phối quốc tế nhằm đảm bảo sự ổn định trong điều tiết và đảm bảo các tiêu chuẩn lao động quốc tế được áp dụng.
Thực tế này kêu gọi đối thoại chính sách toàn cầu và hợp tác trong điều tiết chính sách giữa các nền tảng lao động kỹ thuật số, giữa người lao động và các chính phủ để về lâu dài có thể tạo nên một cách tiếp cận hiệu quả và nhất quán hơn, hướng tới một số các mục tiêu nhằm đảm bảo.
Vị thế việc làm của người lao động được phân loại chính xác và phù hợp với hệ thống phân loại quốc gia; Đảm bảo tính minh bạch và độ đáng tin cậy của thuật toán đối với người lao động và doanh nghiệp; Người lao động nền tảng tự làm có thể được hưởng quyền thương lượng tập thể. Mọi lao động, bao gồm cả lao động nền tảng, được tiếp cận đầy đủ phúc lợi an sinh xã hội thông qua việc mở rộng và điều chỉnh khuôn khổ chính sách và pháp lý khi cần thiết. Lao động nền tảng có thể tiếp cận với tòa trọng tài nơi họ làm việc nếu muốn.
Đ.A