Phóng viên VnBusiness chú ý tới nhà sáng lập Vinanutrifood khi thời gian qua tham dự các diễn đàn kết nối nông sản, chị đã có khá nhiều chia sẻ thẳng thắn, đi kèm cả cam kết bao tiêu nông sản Việt.
Trò chuyện trước thềm Xuân mới Nhâm Dần 2022, doanh nhân Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) - sáng lập hệ thống siêu thị Nutri Mart, bày tỏ tình yêu lớn với hàng Việt, đồng thời khẳng định: "Tôi muốn đồng hành, hỗ trợ cùng các nhãn hàng Việt Nam, để giúp các doanh nghiệp có chỗ đứng trên kệ siêu thị. Khi vào hệ thống siêu thị, khách hàng không có lựa chọn nào khác và sẽ được chăm sóc để tin dùng hàng Việt".
Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood). |
Chủ tịch Vinanutrifood khẳng định: Chuỗi cửa hàng, siêu thị phát triển sẽ bao tiêu 100% sản phẩm nông sản của Việt Nam, gồm các sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến sâu, dược liệu của Việt Nam, nói không với hàng ngoại.
Vượt qua "cú sốc" phải bán tháo nông sản sạch ở chợ Long Biên
Kết thúc một năm COVID-19 với rất nhiều khó khăn và thách thức, không biết đến giờ, cảm xúc của chị thế nào?
-Tôi thở phào nhẹ nhõm vì chỉ trong 6 tháng cuối năm, chuỗi hệ thống Nutri Mart đã hoàn thành mục tiêu 1.000 điểm bán trên toàn quốc dù dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động phát triển hệ thống. Chúng tôi đã đạt được kết quả bước đầu là xây dựng chuỗi bán lẻ tốc độ nhất về điểm bán.
Vậy, còn hiệu quả kinh tế thì sao? Nutri Mart đã có lãi chưa, đủ sức cạnh tranh với các "ông lớn"?
-Như bạn biết đấy: kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, ngay cả một số doanh nghiệp lớn cũng phải từ bỏ, bán lại cơ nghiệp. Với chúng tôi thì thực tế vẫn đang phải lấy kênh xuất khẩu, kênh thương mại điện tử, kênh sản xuất để "nuôi" hệ thống phân phối trực tiếp.
Tuy nhiên, tôi tin rằng con đường đi của mình là đúng, bởi tôi nhìn thấy niềm tin của người tiêu dùng với hàng nông sản Việt đang lớn dần lên. Chúng tôi chấp nhận "thuyền to thì sóng lớn".
Ngay khi hệ thống siêu thị Nutri Mart đầu tiên khai trương, hàng nghìn người đã tới mua hàng trong 3 ngày cuối tuần, dù trong số đó nhiều người cho biết nếu sản phẩm tốt thì họ mới quay lại. Tuy nhiên, đấy lại là nguồn động viên với tôi.
Mở Nutri Mart, tôi thấy rất xúc động khi nghe tâm sự của khách hàng nói về sản phẩm Việt Nam, lòng tự hào dân tộc trong tôi trỗi dậy khi người Việt Nam có thể sản xuất hạt nêm bằng rau củ quả, cao uống liền, thạch từ rau hữu cơ...
Được biết là hệ thống siêu thị của chị chỉ bán mỗi thương hiệu Việt Nam. Vì sao chị lại chọn con đường khác lạ này?
-Khi tôi đưa ra quyết định rằng mở hệ thống siêu thị chỉ phân phối hàng made in Vietnam, made by Vietnam, đúng là nhiều cộng sự làm cùng băn khoăn. Họ có nói với tôi rằng nếu cứ chăm chăm một đường thì rất khó, khách hàng mới là người trả tiền cho mình. Nếu làm một mình một đường thì không thể bù lỗ được.
Khi đó, tôi đã giải thích với mọi người rằng nếu mình không phải là cánh chim đầu đàn, không phải là người có tâm dốc sức tìm tòi ra thương hiệu Việt thì hàng Việt rồi sẽ sao.
Tôi đã đi nhiều nơi, đã đến nhiều quốc gia, tôi thấy rằng người Việt Nam cũng có khả năng tạo ra những chai dầu gội đầu chiết xuất từ thảo dược với chất lượng không thua kém hàng ngoại, nếu thua chỉ nằm ở việc quảng cáo không bằng họ. Tại sao hàng Việt không thể có chỗ đứng vững chắc, chinh phục được người Việt Nam.
Tôi muốn đồng hành, hỗ trợ cùng các nhãn hàng Việt Nam, để giúp các doanh nghiệp có chỗ đứng trên kệ siêu thị. Khi vào hệ thống siêu thị, khách hàng không có lựa chọn nào khác và sẽ được chăm sóc để tin dùng hàng Việt.
Đến một ngày nào đó không xa, tôi tin rằng người Việt Nam sẽ có cái nhìn khác về sản phẩm trong nước. Người Việt có thể bỏ một số tiền không nhỏ để mua sản phẩm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thì chẳng có lý do gì không thử dùng hàng Việt Nam một lần.
Và khi tôi mở Nutri Mart thì tôi thấy rằng dự báo của mình chính xác. Rõ ràng người Việt Nam vẫn muốn dùng hàng Việt Nam mà không biết mua ở đâu, tìm sản phẩm ở đâu có đủ chứng nhận xuất xứ. Trước giờ, chúng ta không cho hàng Việt Nam một chỗ đứng để người tiêu dùng thấy được giá trị của nó, cũng như sản phẩm nông sản không chỉ dừng ở sản phẩm thô mà còn ở chế biến sâu.
Còn có lý do nào khiến chị kiên định theo con đường gập ghềnh này?
-Thực ra, ngay từ khi khởi sự kinh doanh, thời điểm năm 2011-2012, tôi đã muốn tập trung vào thị trường nội địa. Nhưng thú thực thời điểm đó, tôi không thành công, một phần do người tiêu dùng chưa hiểu thế nào là tiêu chuẩn chất lượng. Họ vẫn sẵn sàng mua một mớ rau không rõ nguồn gốc thay vì bỏ tiền nhiều hơn để mua một mớ rau đạt tiêu chuẩn. Một phần do tôi còn trẻ, kinh nghiệm thương trường không có. Tôi tốt nghiệp ngành y, không có kinh nghiệm về quản trị kinh doanh.
Chị Hằng quan tâm tới việc phát triển các sản phẩm dược liệu. |
Trong khi đó, hàng nông sản tươi chỉ một giờ trôi qua là sẽ héo đi, chất lượng và giá giảm theo. Thời điểm đó, tôi đã thất bại, từng phải đem hàng nông sản tiêu chuẩn VietGAP lên chợ Long Biên để bán tháo nhằm vớt vát chút ít để có thể khởi nghiệp ở kênh xuất khẩu nông sản.
Vậy, khi bắt đầu quay trở lại thị trường Việt Nam, chị có sợ sự thất bại quay trở lại không?
-Tôi không sợ vì tôi tin rằng đây là giai đoạn "đúng thời điểm". Đúng thời điểm vì sao, đó là sau thời gian chinh chiến ở thị trường nước ngoài, kinh nghiệm của tôi cũng dày dặn hơn. Tôi cũng được rèn luyện tính kiên trì hơn, bản lĩnh nghề nghiệp tốt hơn. Tôi cũng học hỏi được kinh nghiệm của các tập đoàn lớn bên nước ngoài. Và đặc biệt người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới hàng đạt chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Dịch COVID-19 ập tới là nguy nan toàn cầu nhưng là cơ hội để người Việt Nam nhìn nhận về hàng Việt Nam.
Tôi thấy rằng người Hàn Quốc hay người Nhật Bản yêu hàng hóa của nước họ lắm. Người Hàn Quốc tự hào về sản phẩm của mình, sẵn sàng rơi nước mắt nếu khách hàng mua sản phẩm ngoại. Bởi vậy câu hỏi luôn thôi thúc là làm cách gì để người Việt cũng yêu hàng Việt như vậy. Và tôi thấy rằng ở Việt Nam đúng là chưa có nhiều sản phẩm lựa chọn cho khách hàng, mới dừng ở sản phẩm thô chưa có tinh, chế biến. Do vậy, tôi quyết định quay trở lại thị trường trong nước.
Khâm phục cách làm việc, nhiệt huyết của nhiều bạn trẻ quản lý HTX
Là doanh nghiệp vừa sản xuất chế biến nông sản, vừa phân phối sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu, chị nhìn thấy sự chuyển biến của các HTX nông nghiệp hiện nay ra sao? Có ấn tượng nào khi làm việc với HTX?
-Gần đây thôi, tôi có lên Lai Châu để tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp và triển khai một số dự án đầu tư trong thời gian tới. Nói thực trước khi lên, tôi có suy nghĩ rằng làm việc với HTX vùng xuôi đã khó thì lên vùng ngược có lẽ cũng không hề dễ dàng. Nhưng lên đó rồi, tôi phải xin lỗi vì suy nghĩ này!
Lên Lai Châu, tôi có cơ hội chia sẻ với các HTX và thấy rằng dù người quản lý các HTX là người dân tộc thiểu số nhưng họ có chí lớn, suy nghĩ lớn. Tôi đã rất khâm phục khi một bác chủ tịch HTX gần 70 tuổi chuyên trồng mắc ca nhưng bán cho khắp nơi trên đất nước. Mắc ca của bác bán được trong thủ phủ mắc ca là Đắk Lắk. Bác sẵn sàng chạy xe máy đi 35km đường rừng để mang hàng lên đơn vị chuyển phát nhanh - chuyển tới người mua. Bác dùng Zalo, Facebook, thương mại điện tử để bán hàng...
Hay làm việc với các HTX lúa gạo, tôi thấy các bạn quá tuyệt vời, dù tuổi còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8X nhưng khi thấy tôi đến, họ đã nô nức mang sản phẩm của mình để tiếp thị với người mua hàng, mời tôi dùng những đĩa cơm thơm phức còn nghi ngút khói, tiếp cận với mình bằng sự chân thành.
Vinanutrifood cam kết đồng hành, hỗ trợ với các HTX nông nghiệp. |
Khi tôi đặt vấn đề rằng cần đóng gói 1kg với gạo nếp, 2kg với gạo thơm để đem về Hà Nội kiểm tra chất lượng, các bạn ấy sẵn sàng làm ngay. Điều mà trước đây, nhiều đơn vị sản xuất luôn nói với chúng tôi rằng nếu sản phẩm lúa gạo thì cương quyết phải đóng 10kg trở lên.
Hôm tôi về là Chủ nhật thì thứ Hai gần như bảng báo giá đã được gửi xuống cho chúng tôi, và chỉ sau gần một tuần, hợp đồng hai bên đã được thương thảo.
Hôm đó, tôi gặp 5 HTX sản xuất lúa gạo, các bạn ấy nói với tôi rằng: "Chị cứ lấy gạo của một trong số chúng em, bọn em cam kết sẽ thu mua gạo của các HTX còn lại". Đó là tinh thần đoàn kết, tôi rất khâm phục họ.
Thực tế thì mối quan hệ giữa HTX và doanh nghiệp là rất quan trọng để thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam. Là doanh nghiệp, chị có mong mỏi gì với khu vực HTX?
-Mong muốn thì cũng có rất nhiều! Tôi mong các HTX cũng cần thay đổi cách quản trị theo hướng chuyên nghiệp, cần có bộ phận chăm sóc khách hàng, bộ phận kinh doanh. Điều đầu tiên là các HTX phải cải thiện bao bì mẫu mã.
Doanh nghiệp phân phối mong muốn mỗi tỉnh chỉ làm việc từ 3-5 HTX, để không phải đau đầu chuyện thu mua ở đâu, một làng nghề có tới mấy chục HTX nhưng khi cần sản lượng lớn lại không đáp ứng đủ.
Tôi mong các địa phương cần quan tâm hơn để thúc đẩy phát triển HTX, địa phương có thể hỗ trợ xây dựng các kho sơ chế nông sản. Chúng tôi tha thiết được làm việc với nông dân thông qua HTX, HTX sẽ đứng ra thu mua, đảm nhiệm khâu chất lượng.
Tôi sang Trung Quốc và thấy như khu vực Ninh Minh - người ta xác định chất đất trồng mía, theo đó đã xây dựng 4 nhà máy mía đường, chia khu bao tiêu. Nhà nước ứng tiền trước để nông dân trồng, còn doanh nghiệp phải bao tiêu, nếu không bao tiêu thì doanh nghiệp phải ra khỏi khu đấy. Nếu có sự quan tâm của địa phương thì chắc chắn nông nghiệp sẽ phát triển.
Thêm vào đó, HTX phải cơ giới hoá, chứ không phải làm thủ công, ở nước ngoài thủ công phải trong môi trường nhà máy công nghiệp, thủ công công đoạn nào, chứ không phải phơi ngoài đường hay bán một mớ rau còn cả đất...
Về phía doanh nghiệp thì chị sẽ hỗ trợ gì cho HTX như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã từng gửi gắm rằng khi xây dựng nhà máy thì doanh nghiệp hãy mở một cánh cửa để nông dân, HTX đi vào?
-Tôi có thể làm với doanh nghiệp lớn nước ngoài có 200-300 mã hàng để cung cấp cho siêu thị nhưng như chia sẻ ban đầu là tôi không làm. Tôi muốn làm việc với các HTX dù chỉ có ít mã hàng nhưng người dùng trong nước sẽ biết tới hàng Việt Nam, được tiêu dùng sản phẩm chất lượng của nông sản Việt Nam.
Theo đó, thời gian qua, chúng tôi cũng đẩy đẩy mạnh tư vấn cho các HTX, hộ nông dân về cách đóng gói, nâng cao chất lượng sản phẩm. Có thể nói con đường này chắc chắn còn gian nan và chúng tôi phải nỗ lực hơn để đồng hành cùng các HTX. Tuy vậy, tôi rất tự hào bởi mỗi khi nhắc tới hàng Việt Nam là tôi rất rạo rực.
Nói với bạn chứ tôi sẵn sàng chiến đấu tới cùng với những ai chê bôi về hàng Việt đấy! Tại sao thay vì nói xấu hàng Việt, bạn cũng là người Việt Nam thì sao không thể góp ý, ủng hộ, dốc sức để hàng Việt lớn lên mỗi ngày.
Về nhà vẫn là bà nội trợ không hơn không kém
Quay trở lại câu chuyện của doanh nghiệp trong thời gian tới, chị có kế hoạch gì?
-Chắc chắn khó khăn là không ít nhưng cơ hội vẫn rất lớn. Tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 10 nghìn điểm bán Nutri Mart ở thị trường trong nước. Còn ở thị trường nước ngoài, hướng tới đạt 1.000 điểm bán tại Trung Quốc và Thái Lan vào năm 2023.
Năm 2023, Vinanutrifood dự định sẽ thực hiện IPO trở thành doanh nghiệp đại chúng. Đồng thời, tôi dự định đầu tư mở thêm các nhà máy chế biến nông sản, quản lý bằng Blockchain, công nghệ cao để minh bạch cho khách hàng từ sản xuất tới bàn ăn.
Với mục tiêu vậy, hẳn là công việc cũng khá bận rộn. Vậy, chị sẽ sắp xếp thời gian thế nào để cân bằng công việc và gia đình, đặc biệt là trong Tết Nguyên đán này?
-Gia đình của tôi đều làm nông nghiệp. Thời còn đi học, tôi đam mê và theo học ngành y nhưng không hiểu duyên số thế nào rồi lại quay lại làm nông nghiệp. Công việc cũng bận rộn lắm vì tôi là "tay ngang", có những thời điểm 2 tháng ròng, tôi chỉ ngủ 2 tiếng mỗi ngày để hoàn thành công việc.
Tuy nhiên khi về nhà, cởi bộ vest ra, tôi thực sự là một bà nội trợ không hơn không kém, nhiều khi vẫn phải đạp xe ra chợ để mua đồ ăn. Hay khi ông xã phải làm việc khuya, tôi vẫn chuẩn bị đồ ăn, trái cây cho chồng. Tôi sẽ làm cả khi người ta đã đi ngủ để có thời gian vui chơi với con cái.
Dù rằng, có thời điểm rất khó khăn, nhưng có bất cứ điều gì xảy ra, gia đình vẫn là nền tảng để tôi phát triển bản thân và không bao giờ cho phép mình hy sinh gia đình chỉ vì sự nghiệp. Vì vậy, Tết là thời gian để tôi nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình mình.
Xin cảm ơn chị!
Nhật Linh thực hiện