Theo đánh giá của giới phân tích, trong khi việc xử lý nợ xấu tồn đọng chững lại trước những vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 42, nợ xấu mới tiếp tục gia tăng khi các ngân hàng mở rộng mảng bán lẻ.
Lớn, nhỏ đều tăng nợ xấu
Báo cáo tài chính quý III/2019 cho thấy nhiều ngân hàng vẫn có tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3%, điển hình như PGBank (3,07%).
Tại Kienlongbank, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,94% lên 1,07%. Nợ xấu tại OCB cũng tăng 38% lên mức gần 1.779 tỷ đồng.
Có tỷ lệ nợ xấu gây bất ngờ cho thị trường phải kể đến NamABank là 1.496 tỷ đồng, tăng tới 91% so với đầu năm, trong đó chủ yếu do nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng cao. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này theo đó tăng từ 1,54% lên 2,37%.
Nợ xấu của ABBank cũng tăng vọt (79%) lên 1.766 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng (thị trường 1) từ mức 1,89% hồi đầu năm vọt lên 3,39%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng ước tính cũng đã tăng lên con số 2,78%.
Đáng chú ý, nợ xấu không chỉ tăng mạnh ở các nhà băng nhỏ, kể cả những ngân hàng có quy mô lớn cũng có nợ xấu tăng mạnh.
Chẳng hạn, tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã vượt mức trên 2%. Trong đó, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) tăng tới 70% lên 12.194 tỷ đồng.
Nợ xấu tại Vietcombank cuối tháng 9 là 7.625 tỷ đồng, tăng 491 tỷ đồng so với cuối tháng 6 và đã tăng 1.402 tỷ đồng (tương đương 22,5%) so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng hơn 4 lần so với đầu năm lên 1.240 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 31,4% lên 1.525 tỷ đồng; nợ nhóm 5 chỉ tăng nhẹ 1,9% lên 4.860 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng từ mức dưới 1% hồi đầu năm lên 1,07% vào cuối tháng 9.
Tại MB, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, nợ xấu cuối tháng 9 là 3.112 tỷ đồng, tăng khoảng 23% so với đầu năm, trong đó cả 3 nhóm nợ xấu đều tăng.
Cụ thể, nợ nhóm 3 tăng 9,2%, nợ nhóm 4 tăng 15,6%, nợ nhóm 5 tăng 40,3%. Riêng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là 1.345 tỷ đồng, chiếm 43% tổng nợ xấu.
Đáng chú ý, nợ xấu tại công ty thành viên là Mcredit (MB sở hữu 50% cổ phần) cũng leo thang.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 30/9, tổng nợ xấu của MB là 3.703 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng tới 40% lên 1.348 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,33% lên 1,54%.
Nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng trong 9 tháng đầu năm |
Đáng lo chất lượng nợ
Mới đây, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng bày tỏ lo ngại về tình hình nợ xấu tại các ngân hàng, đặc biệt là các nhà băng có dư nợ tín dụng tăng cao ở các dự án BOT.
Theo báo cáo của NHNN, hiện có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
“Nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD)”, báo cáo cho hay.
NHNN cũng cho biết nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính.
Việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm của các ngân hàng mua bắt buộc (ngân hàng 0 đồng) khó khăn do phần lớn tài sản đảm bảo cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Về vấn đề gia tăng nợ xấu, CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng bên cạnh số nợ xấu tồn đọng đang được xử lý tích cực thì nợ xấu mới lại tiếp tục hình thành.
Trước đây, nợ xấu trong quá khứ của các ngân hàng đến từ các khoản cho vay với mục đích đầu cơ và các hoạt động không phải ngành kinh doanh chính (như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản) và cho vay các khoản đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp quốc doanh.
Trong khi đó, nợ xấu mới hiện tại lại đến từ các khoản đầu tư của tư nhân và vay tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân, đặc biệt là ở ngân hàng bán lẻ. Do đó, nợ xấu tăng nhiều nhất ở các ngân hàng mở rộng mạnh trong mảng bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng, do hoạt động này rủi ro cao và tăng chậm hơn ở ngân hàng có tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn, mở rộng cho vay bán lẻ thận trọng hơn.
Chẳng hạn, ước tính nợ xấu tại công ty thành viên Mcredit của MB tính đến hết tháng 9 là khoảng 590 tỷ đồng, tăng khá mạnh từ dưới 6% hồi đầu năm lên gần 8%.
Huyền Anh