Phát biểu khai mạc Hội thảo: Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng tại Tòa án Nhân dân, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Thuý Hiền cho biết, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ 15/8/2017, đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành lang pháp lý xử lý nợ xấu. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành nhiều nghị quyết để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật liên quan đến tranh chấp tín dụng, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực trong vấn đề giải quyết nợ xấu.
Trong 5 năm trở lại đây, với sự phát triển ngày càng hoàn thiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng giải quyết tranh chấp tín dụng ngân hàng đã từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đến nay, việc xử lý nợ xấu đã có những kết quả hết sức khả quan. Xử lý được nợ xấu có ý nghĩa lớn, góp phần khơi thông nguồn lực xã hội, đưa nguồn lực bị đóng băng góp phần trở lại phát triển kinh tế - xã hội...
Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp tín dụng tại tòa án trong thời gian vừa qua cho thấy, việc xét xử các loại vụ việc này cũng phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thể chế, năng lực xét xử của tòa án… dẫn đến nhiều vụ việc phải giải quyết trong thời gian dài, qua nhiều cấp xét xử, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trên thực tế, các tổ chức tín dụng hội viên phản ánh quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong đó có nguyên nhân liên quan đến việc khởi kiện và quá trình giải quyết tại tòa án các cấp; trong thực tiễn thi hành các bản án, giải quyết tranh chấp về tín dụng tại cơ quan thi hành án dân sự.
Thực tế quá trình giải quyết tại tòa án thường kéo dài hơn so với quy định. Thời gian xử lý kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng, tạo cơ hội để những đối tượng khách hàng chây ì có cơ sở để kéo dài sự bất hợp tác. Thậm chí, có trường hợp tạo những tranh chấp giả, cố tình gây khó khăn cho ngân hàng.
Hoặc có trường hợp tòa án yêu cầu tổ chức tín dụng phải cung cấp tài liệu liên quan đến địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…; nếu không cung cấp được thì tòa sẽ trả lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên, cái khó của tổ chức tín dụng là nhiều trường hợp không thể cung cấp được những tài liệu này do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình trốn tránh, hoặc có nhiều nơi cư trú khác nhau.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ ngành như: Tòa án Nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp… để xem xét tháo gỡ những bất cập trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Huyền Anh