Chia sẻ với VnBusiness, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nói: Các ngân hàng thương mại cũng phải điều chỉnh mặt bằng tiền gửi các kỳ hạn khác. Chính việc hạ nhiệt lãi suất huy động sẽ có ý nghĩa quan trọng trong giảm giá vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại, từ đó mới có cơ sở để hạ được lãi suất đầu ra, chính là lãi suất cho vay.
Chờ 'làn sóng' giảm lãi suất
Theo thống kê của NHNN, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại hiện ở mức khoảng 6,3%/năm, tương đương giảm 0,18%/năm so với cuối năm ngoái.
Một điều quan trọng nữa là các mức lãi suất cho vay qua đêm, cho vay tái cấp vốn giảm cũng là chỉ báo cho thấy NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại với mức thấp hơn và cũng là nỗ lực để kéo giảm chi phí vốn cho các ngân hàng.
Bên cạnh lãi suất, vẫn cần có thêm các giải pháp đồng bộ khác để cùng góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. |
Theo giới phân tích, quyết định giảm lãi suất của cơ quan điều hành được đưa ra trong bối cảnh kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết kinh tế có dấu hiệu xấu đi từ cuối năm 2022, kéo dài sang đầu năm 2023, kết quả là tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, bình quân mỗi quý còn lại năm nay phải tăng khoảng 7,5%.
Những khó khăn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và hầu như không huy động được vốn. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp giảm, trên đà suy yếu.
Doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, nhưng tiếp cận vốn vay cũng khó khăn, lãi suất cao. Theo báo cáo của Chính phủ, bình quân lãi suất cho vay mới là 9,3% nhưng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối 2022.
Trong cuộc họp cuối tháng 4, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước sử dụng tối đa các biện pháp để giảm chi phí, hạ lãi suất nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.
Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp một ngân hàng tư nhân cho biết: Nếu không có mặt bằng lãi suất tốt thì ngân hàng không thể tăng được dư nợ tín dụng theo mục tiêu. Vì vậy, trong kinh doanh vốn, không ngân hàng nào muốn cho vay lãi suất cao.
“Với động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 của NHNN,xu hướng, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm thêm. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất ở mức bao nhiêu còn tùy thuộc sức khỏe tài chính, chi phí lãi suất đầu vào cũng như chiến lược khách hàng của từng ngân hàng”, vị giám đốc này cho hay.
Vì sao NHNN chọn thời điểm này để hạ lãi suất?
Trong khi nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn đang phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, vì sao NHNN lại chọn thời điểm này để hạ lãi suất?
Theo lý giải của NHNN, thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh ở một số nền kinh tế lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất.
Trong nước, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đảm bảo.
Đó là những cơ sở để NHNN điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, động thái hạ lãi suất lần này được kỳ vọng sẽ có sự lan tỏa giảm mạnh hơn lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Bởi các ngân hàng thương mại sẽ có động lực hạ lãi suất huy động của mình, từ đó làm giảm chi phí vốn của các ngân hàng thương mại, từ đó giảm lãi suất cho vay.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định, đây là mức giảm lãi suất tương đối phù hợp ở giai đoạn này. Khi lãi suất giảm, tỷ giá VND cũng sẽ giảm, do đó sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu. "Chúng tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại còn cao, do đó với sự quyết liệt giảm lãi suất huy động và lãi suất điều hành thì tương lai gần trong vòng vài tháng nữa chúng ta sẽ giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế", ông Ngọc nói.
Trước đó, nhiều tổ chức như Viện nghiên cứu đào tạo BIDV, hay VNDirect cũng đã đưa ra dự báo mặt bằng lãi suất có thể giảm từ 0,5-2% trong năm nay.
Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được xem là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Nhưng bên cạnh lãi suất, vẫn cần có thêm các giải pháp đồng bộ khác để cùng góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Huyền Anh