Ngày 22/5, thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến".
Doanh nghiệp phải “bán mình” để trả nợ
Uỷ ban Kinh tế đánh giá doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa.
Theo tổng cục thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 49,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; 20,9 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 39,9%; 6,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo tính toán của chuyên gia, nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm, thì hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ lên tới hơn 113.000 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Giới phân tích cho rằng, những khó khăn vẫn còn “đeo bám” doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.
Đơn cử, mới đây Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam - doanh nghiệp đang sử dụng trên 50.000 người thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 5.700 lao động (chiếm hơn 10% tổng lao động), chia làm hai đợt cuối tháng 6 và đầu tháng 7 tới, với lý do đơn hàng sụt giảm.
Trong bối cảnh cầu thấp, nhưng lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp chia sẻ là họ cần vốn để phục hồi, đúng hơn là để chờ đợi sự phục hồi của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, lãi suất cho vay, dù đang có nhiều động thái giảm, nhưng vẫn rất cao.
Thực tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua những chính sách rất kịp thời như: mua lượng lớn ngoại tệ đưa vào hệ thống dự trữ, nhờ vậy thanh khoản của nền kinh tế tốt hơn, hạ lãi suất điều hành để từ đó giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn còn cao.
Theo Uỷ ban Kinh tế, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao (khoảng 9,3%/năm) và tín dụng tăng trưởng đến cuối tháng 4 tăng thấp 2,75% so với đầu năm. Điều này cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng NHNN cho rằng: "Nếu vẫn để nền kinh tế khan tiền, doanh nghiệp “đói” tiền mặt, tiền nằm ở NHNN không quay vòng được, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của doanh nghiệp, cũng như kéo theo thất nghiệp, mất việc, thiếu việc làm gia tăng".
Cần ưu tiên giảm lãi suất
Dưới góc nhìn của chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV khẳng định: Không ai muốn một môi trường lãi suất cao cả. Không có chuyện NHTW muốn cao, NHTM muốn cao và chỉ doanh nghiệp muốn lãi suất thấp. Lãi suất vẫn ở mức cao do một số nguyên nhân chính như: rủi ro lạm phát; Tâm lý chung là người dân gửi tiền phải có lãi suất thực dương; Mức độ rủi ro của nền kinh tế, của bản thân doanh nghiệp và một số ngành kinh tế còn cao khiến áp lực nợ xấu gia tăng. Ngoài ra, vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém nên đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên một cách thiếu lành mạnh.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng, giai đoạn hiện nay, nếu tiếp tục hạ lãi suất điều hành, sẽ là bước ngoặt mấu chốt tác động dài hạn đến nền kinh tế và vào chi phí giá vốn nền kinh tế. Tuy nhiên, nhà điều hành cần ban hành sớm, vì các chính sách cần độ ngấm, nhanh thì 3 tháng không thì cần tới 6 tháng.
TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, giảm lãi suất nên là ưu tiên cần tính toán vào thời điểm này. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các tính toán này cần phải có sự phối hợp từ các cơ quan Chính phủ, vì giảm lãi suất sẽ có lợi cho tất cả. Bởi, khi lãi suất giảm thì doanh nghiệp mới giảm được áp lực về chi phí vốn, từ đó có thêm nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, nhờ vậy ngân hàng sẽ giảm được rủi ro về vốn. Đó là tác động cộng sinh.
Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là 1.135.100 tỷ đồng, với lãi suất cho vay bình quân là 10%/năm, riêng chi phí lãi vay mà các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã phải chịu là 1.135.091 tỷ đồng, tương đương 12% GDP.
"Nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm, thì hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ lên tới hơn 113.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện tại”, ông Tú Anh tính toán.
NHNN cũng đã bật đèn xanh cho chính sách tiền tệ thời gian tới. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại một cuộc họp gần đây cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ cân nhắc điều kiện nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành, hướng tới mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn phải đảm bảo chính sách tiền tệ ổn định và an toàn kinh tế vĩ mô.
Huyền Anh