Cụ thể, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường.
Ngoài việc giảm trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành.
Quyết định giảm lãi suất của cơ quan điều hành được đưa ra trong bối cảnh kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. |
Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%%/năm xuống 5%/năm, lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất. Trong đó, 2 lần giảm trần lãi suất huy động và giảm lãi suất điều hành. Trước đó, đầu tháng 4, trần lãi suất tiền gửi 1-6 tháng điều chỉnh từ 6% xuống 5,5%. Ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 1% các loại lãi suất điều hành gồm tái chiết khấu và cho vay qua đêm.
Trong 2 lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành trước đó đã tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động cũng như hạ lãi suất cho vay khá tích cực.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân từ 1-1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung trong cả hệ thống ngân hàng khoảng 0,5 - 0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%.
Theo thống kê hiện các khoản tiền gửi mới bình quân có mức lãi suất từ 6,0 - 6,1% (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân), còn cho vay từ 9-9,2%/năm. Tuy nhiên đối với lãi suất cho vay, doanh nghiệp phản ánh vẫn ở mức cao.
Tại một cuộc họp gần đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải lãi suất cho vay vẫn ở mức cao do tỷ lệ cho vay trên huy động ở mức rất cao, áp lực lạm phát và cơ cấu nợ cũng khiến lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh như kỳ vọng. Chưa kể, ngân hàng chủ yếu huy động ngắn hạn, trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được trong bối cảnh khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Điều này tạo sức ép lên lãi suất.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn “bật đèn xanh” sẽ cân nhắc điều kiện nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành, hướng tới mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn phải đảm bảo chính sách tiền tệ ổn định và an toàn kinh tế vĩ mô.
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định hiện bối cảnh áp lực tỷ giá không còn nữa và lạm phát đã quay trở lại trong tầm kiểm soát nhưng GDP lại ở mức thấp và các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn nên Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện thêm việc giảm lãi suất điều hành, từ đó tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy nhanh tăng trưởng.
Như vậy, với 3 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành trong tháng Ba, tháng Tư và tháng Năm của Ngân hàng Nhà nước được nhận định là bước đi cần thiết để tăng khả năng tiếp cận vốn, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo tính toán của TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) với dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là 1.135.100 tỷ đồng, lãi suất cho vay bình quân là 10%/năm, riêng chi phí lãi vay mà các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã phải chịu là 1.135.091 tỷ đồng, tương đương 12% GDP.
"Nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm, thì hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ lên tới hơn 113.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện tại”, ông Tú Anh tính toán.
Thanh Hoa