Trước đề nghị cần quyết liệt hơn nữa trong việc giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chờ lãi suất huy động giảm "thẩm thấu" đến lãi suất cho vay
Gần đây, vấn đề giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và có nhiều kiến nghị nhất.
Thực tế, thời gian qua, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm lãi suất cho vay như: chỉ đạo TCTD giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đồng thời, thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ của TCTD...
Các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi lãi suất |
Qua đó, các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới. Đồng thời, cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-2,5%/năm trong 6 tháng cuối năm 2023 tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực.
Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022. “Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất cho vay của các TCTD, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, NHNN cho biết.
Vấn đề được nhiều người quan tâm là bao giờ lãi suất huy động mới "thẩm thấu" sang lãi suất cho vay?
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho biết, quá trình giảm lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng phải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn một là giảm chi phí huy động đầu vào của ngân hàng thương mại, hiện đã và đang làm rất tốt bước này. Tuy nhiên, cần phải trung bình 6 tháng thì lãi suất huy động giảm mới "thẩm thấu".
Giai đoạn hai là chất lượng tài sản. Ngân hàng chỉ sẵn sàng đẩy mạnh cho vay và giảm lãi suất cho vay nếu bản thân ngân hàng cho rằng mình kiểm soát được chất lượng tài sản, hay còn gọi là nợ xấu tiềm tàng.
Ở bối cảnh hiện tại, khi hoạt động kinh doanh khó khăn, nợ xấu đang tăng nhanh, bản thân ngân hàng cũng lựa chọn phương án “phòng thủ”. Với chiến lược phòng thủ thì hạn chế cho vay và giữ nền lãi vay cao cũng là một trong những cách hiệu quả nhất.
“Theo dự đoán của chúng tôi, khoảng quý 4 năm nay, nợ xấu mới lập đỉnh”, ông Báu cho hay.
Đồng thời, chuyên gia này khẳng định, các ngân hàng đang đi đúng hướng, và cho rằng: “đến hiện tại mới là thời điểm thực sự chúng ta kỳ vọng được lãi suất cho vay giảm đồng bộ trên cả hệ thống. Thông thường lãi suất cho vay sẽ giảm trước, sau đó 3-6 tháng, tín dụng mới thực sự cải thiện rõ rệt".
Giảm lãi suất nhưng phải cẩn trọng với nợ xấu
Theo các chuyên gia kinh tế, các quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất cho vay thường có mục tiêu hỗ trợ tăng cường hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế suy thoái. Với lãi suất thấp hơn, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí tài chính trong quá trình vay vốn. Điều này giúp giảm giá thành sản phẩm và tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, lãi suất thấp cũng giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó có nguồn tiền đầu tư vào mở rộng kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực. Khi lãi suất giảm xuống thấp, ngân hàng sẽ khắt khe hơn với đối tượng vay để tránh rủi ro nợ xấu. Một số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn kém, có tài sản thế chấp không đủ hoặc không minh bạch tài chính có thể gặp khó khăn trong việc vay vốn.
"Nhìn chung, việc giảm lãi suất là một biện pháp có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và kinh tế, nhưng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và duy trì sự cân đối trong chính sách tiền tệ để tránh tạo ra những tác động tiêu cực không mong muốn", một chuyên gia lưu ý.
Xung quanh câu chuyện giảm thêm lãi suất, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định vấn đề không chỉ là dư địa giảm thêm lãi suất thời gian tới mà cần đẩy độ trễ giảm lãi vay lên nhanh hơn. Bởi, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, các TCTD về cơ bản đã giảm khoảng 1 điểm % lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
"Như Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, TCTD cần tiếp tục giảm chi phí hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để tiếp tục giảm cả lãi suất huy động và cho vay từ khoảng 1,5 - 2 điểm % để vẫn bảo đảm mức độ hấp dẫn của lãi suất tiền gửi, vừa bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và kích cầu tín dụng", TS Cấn Văn Lực nói.
Trao đổi với báo chí về vấn đề giảm lãi suất, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nhận định có thể còn dư địa giảm lãi suất, vì ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục giảm lãi suất đầu vào.
Thực tế, chưa bao giờ tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng lên trên 6 triệu tỷ đồng. Dù lãi suất huy động giảm nhưng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng tín dụng rất thấp.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng giảm lãi suất phải hài hòa, chứ không vài bữa nữa sẽ hứng đủ những khó khăn. Như nợ xấu của những năm 2009-2011 đến giờ mới xử lý tạm ổn. Còn nền kinh tế khó khăn như bây giờ thì nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng, đã ở mức trên 3%.
Huyền Anh