"Có lẽ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thấu hiểu hơn ai hết sức ép dư luận đang đổ dồn lên mình khi các tổ chức tín dụng dư thừa vốn, còn doanh nghiệp thì không thể vay tiền", một chuyên gia tài chính bình luận.
Không những không tìm được đà tăng trưởng, tín dụng trong tháng 7 lại phát đi tín hiệu bi quan khi theo Công ty Chứng khoán SSI, cuối tháng 7/2023, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 4,3% so với cuối năm 2022, trong khi mức tăng tính đến cuối tháng 6 là 4,7%.
Thêm đợt giảm lãi suất điều hành cũng không có ý nghĩa với nền kinh tế?
Với định hướng tín dụng năm 2023 tăng 14-15% thì mức tăng trưởng hiện tại đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của NHNN. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng hiện mới chỉ đạt khoảng 8,5% - mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua.
Mặc dù các ngân hàng triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất, nhưng các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt hơn 12%, do thị trường bất động sản vẫn khó khăn. Một số dự án lớn sau thời gian "đóng băng", gần đây đã "nhúc nhích" khởi động sau sự vào cuộc gỡ khó của Chính phủ, bộ ngành và địa phương. Tuy vậy, thị trường này vẫn chưa thực sự "tan băng", doanh nghiệp bất động sản chưa hết khó khăn. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu giảm tốc, hoạt động sản xuất chưa khởi sắc trở lại…
Theo các chuyên gia, thêm một đợt giảm lãi suất điều hành cũng chưa có tác động ngay trong năm nay. |
Trong bối cảnh đó, giảm lãi suất vẫn đang là câu chuyện “nóng” trong thời gian gần đây. Nhiều chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, NHNN vẫn còn dư địa giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
Thế nhưng, tại cuộc họp báo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô nửa đầu năm 2023 và dự báo triển vọng trong thời gian tới, bà Dorsati Madani, chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), lưu ý tiếp tục cắt giảm lãi suất chưa chắc đã hiệu quả trong ngắn hạn do cơ chế truyền dẫn không hiệu quả và nhu cầu tín dụng không cao.
Theo bà Dorsati Madani, Việt Nam đang đối diện với 2 vấn đề: rủi ro tài chính và nguy cơ dễ tổn thương trong khu vực tài chính đang gia tăng và chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới tạo áp lực lên tỷ giá, dẫn đến nguy cơ dòng vốn rời khỏi đất nước.
“Chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng trở nên kém đi, khi nợ xấu tăng từ 1,9% trong tháng 12/2022 lên 2,9% trong tháng 3/2023, buộc NHNN phải tái áp dụng các biện pháp tái cơ cấu thời hạn trả nợ theo quy định”, bà Dorsati Madani nói.
Do đó, lãi suất cho vay dù có giảm nhưng chậm và có sự phân hoá lớn, không đáp ứng kỳ vọng của thị trường và tăng trưởng tín dụng thấp, bất chấp các nỗ lực khơi thông của Chính phủ và NHNN.
Cẩn trọng với tốc độ hạ lãi suất
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, “liều lượng” giảm lãi suất như thế nào vừa đủ để dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh mới là quan trọng, nếu không sẽ gây ra những tác dụng phụ.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM phân tích, một điểm nghẽn rất lớn trong chính sách tiền tệ hiện nay đó là dù lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn thì cũng không vay được. Như vậy, dòng vốn cũng không chảy ra nền kinh tế. Vì thế, từ nay đến cuối năm, NHNN cần cân nhắc rất kỹ khi điều hành chính sách tiền tệ. Bởi, nếu NHNN tiếp tục giảm lãi suất cũng không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng mà lại gây căng thẳng về tỷ giá.
"Khi kê đơn thuốc thì liều lượng phải phù hợp, bởi uống thuốc quá liều sẽ bị tác dụng phụ. Tác dụng phụ của việc hạ lãi suất sẽ là lạm phát và tỷ giá có thể quay trở lại", ông Huân nói.
Vì vậy, theo chuyên gia này, cần hết sức cân nhắc trong việc giảm lãi suất điều hành và cũng không cần thiết phải tiếp tục giảm vì mức lãi suất điều hành hiện tại đã tương đối hỗ trợ, và không nên quá nóng vội bởi cần phải có độ trễ để thực thi.
Những ngày gần đây, tỷ giá USD/VND đang “nóng” trở lại. Nguyên nhân được giới phân tích chỉ ra, yếu tố vụ mùa cuối năm và chính sách tiền tệ hiện tại là yếu tố chính khiến VND giảm giá mạnh so với USD.
Các chuyên gia của Chứng khoán MB (MBS) nhìn nhận: Động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của NHNN đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, khuyến khích nắm giữ USD qua đó gây sức ép lên VND.
Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức 0,2%, trong khi lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%. Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần, cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
VÌ vậy, các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng NHNN sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái hạ lãi suất vào năm sau.
Theo TS Cấn Văn Lực: "Giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Bởi giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề và là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp".
Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, hiện chính sách đang có sự chuyển hướng, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ đều hướng vào việc hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, chính sách tài khóa có dư địa còn khá lớn, nhất là lĩnh vực đầu tư công, bởi chúng ta đang trong cảnh "có tiền mà không tiêu được".
“Giảm lãi suất cũng không phải liều thuốc vạn năng, mặc dù đây là liều thuốc rất quan trọng đối với sức khoẻ doanh nghiệp, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như: Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn”, TS Võ Trí Thành phân tích.
Huyền Anh