Thực tế, nhiều ngân hàng đang phải "đỏ mắt" đi tìm khách hàng tốt để cho vay. Chia sẻ với VnBusiness, lãnh đạo một ngân hàng có vốn nhà nước nêu thực trạng: Không ít doanh nghiệp mà ngân hàng muốn cho vay, nhưng vẫn kiên quyết trả lại vốn cho ngân hàng để tiết giảm chi phí vì đầu ra gặp khó. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp "sức khỏe" yếu muốn được vay vốn, ngân hàng lại không dám cho vay vì lo ngại nợ xấu.
Lệch pha cung - cầu tín dụng
Hiện nay, nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân mới đạt được khoảng 50% room tín dụng được phép, nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước mới đạt khoảng 35%.
Các doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay chỉ từ 7,5 - 8% là mức hợp lý. |
Có nhiều nguyên nhân khiến cung và cầu tín dụng, ngân hàng và người vay vốn chưa gặp được nhau. Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay: "Các doanh nghiệp gặp khó trong đầu ra, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thì họ cũng thu hẹp sản xuất. Ví dụ như ở Bình Dương và Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ giảm dư nợ, các hợp đồng cũ có tiền về thì trả nợ, chưa có nhu cầu vay lại".
Phía doanh nghiệp lại cho rằng, mức lãi vay đang quá cao so với khả năng sinh lời. Như trường hợp CTCP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ cho biết, dù đã được giảm 0,5% lãi suất trong năm nay nhưng vẫn chưa quay trở về bằng mức trước thời điểm dịch Covid-19. Vì vậy, doanh nghiệp này kỳ vọng lãi suất cho vay chỉ từ 7,5 - 8% là mức hợp lý.
Thực tế, ngân hàng hay doanh nghiệp đều có những cái khó của riêng mình. Tại họp báo thường kỳ quý II/2023, lãnh đạo NHNN cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này và khẳng định dù các ngân hàng thương mại không thể hạ chuẩn tín dụng, nhưng NHNN sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng để cùng tìm giải pháp tiết giảm chi phí, hướng tới việc giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất cho vay theo định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay: "Ngay cả khi điều hành chính sách lãi suất tăng lên cũng có độ trễ mà giảm xuống cũng có độ trễ. Nhưng độ trễ trong điều kiện khó khăn của doanh nghiệp làm sao cần thúc đẩy nhanh hơn. Ở góc độ NHNN, chúng tôi cũng muốn đẩy tín dụng lên nhưng tăng tín dụng không phải bằng cách hạ chuẩn tín dụng bất chấp câu chuyện tín dụng đó có lành mạnh hay không trong tương lai, mà phải tăng tín dụng nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng tín dụng, hiệu quả của tín dụng đối với nền kinh tế. Đó là bài toán khó. Tuy nhiên, việc làm sao đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới vẫn là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng".
Chờ sự lan tỏa từ giảm lãi suất điều hành
Tín hiệu tích cực từ lạm phát là cơ sở giúp chính sách tiền tệ nới lỏng thêm, nhưng bên cạnh đó, áp lực tăng trưởng cũng được xem là một nguyên nhân chính khiến nhà điều hành chính sách đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm lãi suất.
Thông tin cập nhật từ NHNN mới đây cho thấy, tính đến ngày 15/6, dư nợ cho vay toàn nền kinh tế chỉ tăng 3,36% so với cuối năm ngoái và tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Còn so với cuối tháng 4, tín dụng chỉ tăng thêm 0,3%, tương ứng khoảng 36.000 tỷ đồng.
Một vấn đề khác được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là lãi suất cho vay không giảm nhanh như lãi suất huy động. Giới phân tích cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay sẽ có độ trễ từ 2 - 3 tháng bởi hiện giá vốn đầu vào của ngân hàng (lãi suất huy động) vẫn chịu mức cao hơn từ các khoản tiền gửi chưa tới hạn.
Còn theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, lãi suất là câu chuyện của thị trường và thỏa thuận giá vốn cho vay cũng là quyền của các ngân hàng thương mại, nhưng định hướng của cơ quan quản lý vẫn là từng bước giảm dần. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cũng chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay bằng cách cắt giảm lợi nhuận, chi phí hành chính tích cực để tạo điều kiện giảm lãi suất.
Dù nhà điều hành chưa đưa ra thông điệp sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm, song theo nhận định của các công ty nghiên cứu thị trường, kịch bản giảm thêm lãi suất điều hành vẫn được đặt ra, nhằm hỗ trợ kinh tế thoát khỏi viễn cảnh u ám.
Cụ thể, nhóm phân tích của HSBC kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ còn một đợt giảm 50 điểm cơ bản nữa trong quý III/2023. Hay như Maybank IB cũng bình luận Việt Nam có thể tiếp tục giảm thêm 25 điểm cơ bản ở trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng vào cuối năm nay.
Theo đó, PGS.TS. Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng Tài chính Đại học Kinh tế Quốc dân dự đoán: Sự lan tỏa từ động thái giảm lãi suất điều hành, cộng với độ trễ của các đợt giảm lãi suất trước đó, từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm xuống 7,5 - 8%. Như vậy, sức chịu đựng cũng như khả năng hấp thụ, việc chuẩn bị cho chi phí vốn của các doanh nghiệp sẽ được tốt hơn.
Các chuyên gia nhận định sắp có làn sóng giảm lãi suất cho vay trên diện rộng. Tuy nhiên, một yếu tố cần phải lưu ý là khi giảm lãi suất vô hình trung tạo ra những nguồn vốn rẻ, do đó các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ để nguồn vốn thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang tìm kiếm các hướng đi mới, tăng hiệu quả kinh doanh, để đảm bảo khả năng trả nợ mới dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Huyền Anh