Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: “Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành của NHNN khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế”.
Xác lập xu hướng giảm lãi suất
Trong bối cảnh, lạm phát có xu hướng tăng chậm lại, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, để tạo thêm nền tảng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm lãi suất cho vay và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Quốc Hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2,0 %/năm.
Các chuyên gia cho rằng lạm phát khoảng 2,4% mà mặt bằng lãi suất cho vay 13-14% là mức quá cao. |
Bàn luận về vấn đề hạ lãi suất, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định động thái trên đến từ áp lực phải hạ lãi suất khi doanh nghiệp rất khó khăn và tăng trưởng kinh tế thấp.
Tại hội thảo "Tìm ổn định trong bất định", ông Thành cho hay: "Nhà điều hành quan ngại khi tín dụng tăng trưởng thấp và đang chịu áp lực lớn, để đạt tốc độ tăng 14-15% cả năm nay thì tín dụng sẽ phải tăng mạnh trong nửa cuối năm".
Thường trực Chính phủ mới đây yêu cầu NHNN khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023. Phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6/2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023.
Trong đó, cần lưu ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, khơi thông dòng vốn.
Chính phủ quan ngại về đình trệ sản xuất và doanh nghiệp khó khăn dẫn đến đổ vỡ là có thật, do đó đây không chỉ là câu chuyện về tăng trưởng mà còn là sức khỏe của nền kinh tế. Thời điểm này cũng đã có nhiều dư địa để hạ lãi suất so với đầu năm.
Mặc dù bối cảnh xuất nhập khẩu còn khó khăn, nhiều đơn hàng lớn chưa cải thiện nhưng điểm thuận lợi là tỷ giá ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào và áp lực lạm phát không quá lớn, theo ông Thành có thể đạt mục tiêu kiểm soát ở mức 4,5% trong năm nay.
Đánh giá về vấn đề hạ lãi suất, ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân Mirae Asset, cho rằng việc tiếp tục giảm mức trần huy động sẽ tác động tích cực tới những ngành có tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn ở mức cao.
Cụ thể là bất động sản, thép, thực phẩm, nuôi trồng nông, hải sản và xây dựng. Theo đó, trong kịch bản trung tính, ngành thép là nhóm ngành được hưởng lợi lớn nhất, tiếp đến là xây dựng và nuôi trồng nông, hải sản.
"Sức khoẻ" của nhà băng ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, bất chấp những đợt cắt giảm lãi suất của NHNN, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục giảm từ 9,2% (so cùng kỳ) trong tháng 4 năm 2023 xuống 9,0% (so với cùng kỳ) trong tháng 5, mức thấp nhất trong những năm gần đây. Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng yếu do các hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục suy yếu và nhu cầu vốn giảm từ thị trường bất động sản và chứng khoán.
Mặt khác, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa thực sự giảm rõ rệt và vẫn cao cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu vốn yếu.
Ông Nguyễn Xuân Thành phân tích, khi lạm phát khoảng 2,4% mà mặt bằng lãi suất cho vay 13-14% là ở mức quá cao. Nguyên nhân đầu tiên là niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính bị xói mòn sau sự việc tại ngân hàng SCB, khiến thị trường đòi hỏi phải có mức lãi suất cao mới có thể giữ tiền trong tiết kiệm.
Tiếp đó, chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất tiết kiệm cao. Lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức cao, có thời điểm lên đến 10,5-11%. Vừa qua, lãi suất tiết kiệm đã giảm song lãi suất cho vay vẫn cao, khoảng 13%, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phải vay với mức lãi suất cao hơn.
Nguyên nhân chênh lệch, theo vị chuyên gia, chủ yếu nằm trong hệ thống các ngân hàng. Theo đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam có sự chênh lệch về quy mô, chất lượng quản trị, sức khoẻ tài chính. Nói cách khác, chênh lệch giữa 1 ngân hàng tốt và 1 ngân hàng yếu kém là quá lớn và đòi hỏi các ngân hàng yếu kém phải tìm mọi cách để huy động tiền với lãi suất cao.
Không chỉ vậy, các ngân hàng yếu kém còn liên quan đến sở hữu chéo, có ngân hàng là “sân sau” của doanh nghiệp bất động sản. Do đó, khi thị trường khó khăn, các ngân hàng yếu rơi vào thế kẹt, phải cho vay lãi suất cao với hi vọng vừa cứu được doanh nghiệp, vừa đỡ được cho ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng này không thể giảm lãi suất, phải chạy đua lãi suất...
Song song đó, trong điều hành chính sách tiền tệ cũng có những bất cập, phi thị trường và giật cục, như việc áp quota (hạn ngạch) tín dụng, áp trần lãi suất... Điều này dẫn đến tình trạng có ngân hàng tốt cần tăng trưởng tín dụng nhanh nhưng không được và ngược lại, khiến mặt bằng lãi suất cao.
Cho rằng nội tại các nhà băng ảnh hưởng lớn đến lãi suất, TS Cấn Văn Lực cho rằng cơ quan quản lý cần nâng cao “sức khỏe” của các ngân hàng. Theo ông, cần đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm thiểu cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh, đôi khi phá vỡ mặt bằng lãi suất chung, khiến việc giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn.
Cùng với đó, bản thân các TCTD và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, tiết giảm chi phí, tăng cường quản lý rủi ro (nhất là rủi ro thị trường, rủi ro tài chính, pháp lý…), qua đó có điều kiện giảm lãi suất trên diện rộng và bền vững hơn.
Huyền Anh