Hết quý II/2020, VIB đã thực hiện được trên 52% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của cả năm |
FiinPro vừa có báo cáo về kết quả kinh doanh 6 tháng của nhóm ngân hàng. Trong số 8 ngân hàng đã đưa ra kết quả kinh doanh, ước tính có 5 ngân hàng thực hiện trên 50% kế hoạch năm gồm VPBank (58,7%), VIB (55,6%), ACB (52,4%) và MB, SHB (khoảng 50%). Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trên 20% như VIB (41%), HDBank (39,7%), VietinBank (38,9%), TPBank (30,4%) và VPBank (20,6%).
Hải mảng lợi nhuận đan xen
Báo cáo kết quả kinh doanh của VPBank cho thấy, trong quý II ngân hàng này ghi nhận lãi hợp nhất trước thuế là 6.600 tỷ đồng, tương đương 64% kế hoạch cả năm. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ đóng góp gần 4.200 tỷ đồng, tương đương 64%.
Năm nay, VPBank đặt kế hoạch khá thận trọng, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 10.214 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với 2019 và theo lãnh đạo ngân hàng, lợi nhuận cả năm 2020 có thể đạt mức cao hơn từ 10 - 20% so với mục tiêu đặt ra.
TPBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng, với lợi nhuận trước thuế đạt 2.034 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và bằng 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm (4.068 tỷ đồng).
Theo BCTC hợp nhất quý II/2020 vừa công bố của VIB, lợi nhuận trước và sau thuế của ngân hàng tăng 29% so với cùng kỳ, đạt 2,356 tỷ đồng và 1,885 tỷ đồng. Năm 2020, VIB đặt kế hoạch lãi trước thuế đạt 4,500 tỷ đồng, như vậy kết thúc quý II, VIB đã thực hiện được trên 52% kế hoạch năm.
Mới đây, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank ước tính, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 2.300 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch cả năm. Năm nay, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cao hơn 13% so với năm trước.
Đáng chú ý, bên cạnh một số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận khá, ở nhóm các ngân hàng có quy mô nhỏ, lợi nhuận sụt giảm mạnh. Chẳng hạn, Bac A Bank vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 175 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 353 tỷ đồng, giảm 19% so với con số 436 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm trước và hoàn thành 50,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 vừa công bố của Kienlongbank, lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm giảm 31% so với cùng kỳ, đạt 103 tỷ đồng và 82 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy ngành ngân hàng ban hành các chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ. Điều này có tác động đến tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của các ngân hàng.
Kỳ vọng "bứt phá" lợi nhuận trong quý III
Tuy nhiên, một số ngân hàng phá vỡ quy tắc, ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao đều là nhờ các ngân hàng có mảng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng.
Theo đánh giá của FiinPro, các ngân hàng này hầu hết đều có mảng kinh doanh tín dụng, bán lẻ hoặc tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng. Riêng TPBank là “ngôi sao” trong việc triển khai phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự khác biệt về mặt con số lợi nhuận tiếp tục phụ thuộc vào mức độ trích lập dự phòng của các ngân hàng. Khác với các doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp ảnh hưởng, hậu quả của Covid-19 để lại có độ trễ với các ngân hàng.
Đơn cử như Kienlongbank trong quý II, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 3.2 lần cùng kỳ, ghi nhận 79 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng cụ thể của các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo Phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế và sau thuế trong 6 tháng đầu năm của Kienlongbank giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 103 tỷ đồng và 82 tỷ đồng. Kế hoạch đưa ra cho năm 2020, Kienlongbank dự kiến đạt mức lãi trước thuế 750 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng của Bac A Bank cũng tăng mạnh tới 45,6% trong nửa đầu năm nay, lên 166 tỷ đồng. Điều này khiến ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm giảm khá mạnh (-19%) với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫu vậy, nhiều ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận sẽ được cải thiện tích cực hơn từ sau tháng 9/2020. Bởi hiện nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất kinh doanh. Đặc biệt những tháng cuối năm nhu cầu tín dụng sản xuất, kinh doanh sẽ tăng.
Kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2020 của Vụ Dự báo Thống kê, NHNN vừa công bố cho biết, các tổ chức tín dụng hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2020 ở 2 kỳ điều tra liên tiếp.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 3,5% trong quý III/2020 và tăng 10,5% trong năm 2020, điều chỉnh giảm mạnh so với kỳ vọng tương ứng 13,1 - 14,1% của 2 kỳ điều tra trước.
Kết quả khảo sát cho thấy, có 54,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng quý III/2020, kết quả hoạt động kinh doanh cải thiện tốt hơn so với quý II. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn 15,3% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh sẽ suy giảm.
Thanh Hoa