Trong Báo cáo ngành Ngân hàng – Triển vọng ổn định khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Khối Phân tích VNDIRECT (VND Research) vừa phát hành đưa ra nhận định, cho vay bán lẻ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho ngành ngân hàng và vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng.
Bán lẻ là trọng tâm
Các khảo sát gần đây cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng sẵn sàng hơn trong việc mua sắm các mặt hàng có giá trị lớn, như sản phẩm công nghệ mới hoặc các kỳ nghỉ, du lịch… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng của người Việt dần thay đổi theo hướng chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng và sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống thay vì tích lũy, tiết kiệm đến khi đủ số tiền để mua sản phẩm mình mong muốn.
Với việc tiêu dùng đã trở nên "cởi mở" hơn, tín dụng tiêu dùng đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2015. Trong đó, theo thống kê của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố, tín dụng tiêu dùng năm 2018 đạt 62,3 tỷ USD, gấp gần 8,5 lần năm 2012 và tăng 30,4% so với năm 2017.
Sự chuyển dịch trong ưu tiên tiêu dùng của người Việt đang được các tổ chức tín dụng nắm bắt và chính điều này làm thay đổi cơ cấu tín dụng của nhiều ngân hàng gần đây.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nhiều ngân hàng thời gian qua đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh vào mảng bán lẻ. Nhiều nhà băng đã trở thành ngân hàng bán lẻ và đây cũng chính là động lực tăng trưởng thu nhập lãi của họ.
VNDIRECT cũng đưa ra nhận định, trước đây, một phần lớn tín dụng được cấp cho ngành bất động sản và các doanh nghiệp nhà nước (DNNNN). Tuy nhiên, thời gian qua có một thay đổi tích cực là nhu cầu tín dụng hiện nay chủ yếu đến từ cá nhân và các công ty tư nhân, bao gồm cả các DN nhỏ và vừa (SMEs).
Hiện, tỷ trọng tín dụng cho DNNN vay đã giảm mạnh xuống mức 6,4% trong năm 2018, so với mức 25-26% giai đoạn 2011-2013.
VNDIRECT cho rằng việc này được hỗ trợ phần nào bởi việc cổ phần hóa của các DNNN. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của cho vay cá nhân là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành, dẫn tới sự thay đổi cơ cấu tín dụng.
"Việc chuyển hướng sang cho vay bán lẻ với lãi suất cao hơn giúp cải thiện lợi suất tài sản trong bối cảnh tăng trưởng cho vay thấp hơn do chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng có tập khách hàng lớn, mạng lưới rộng và mức độ thâm nhập bán lẻ thấp có vị thế tốt hơn để nắm bắt cơ hội trong mảng cho vay bán lẻ", VNDIRECT đánh giá.
Cho vay bán lẻ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho ngành ngân hàng |
Cơ hội rộng mở
VNDIRECT đưa ra nhận định, vẫn còn cơ hội mở rộng cho ngân hàng bán lẻ vì tỷ lệ thâm nhập trong phân khúc này vẫn còn thấp, với tín dụng hộ gia đình chỉ đạt 48% GDP vào cuối năm 2018. Dư địa tăng trưởng tín dụng trong phân khúc DN tư nhân và tiêu dùng còn nhiều.
Dẫn số liệu công bố từ Stoxplus về tín dụng tiêu dùng tính đến cuối tháng 12/2018, tỷ lệ thâm nhập của tín dụng hộ gia đình ở mức 47,9% GDP, nhóm nghiên cứu VNDIRECT cho rằng con số này vẫn thấp hơn so với các nước như Thái Lan (78,6%) và Malaysia (82,1%), trong khi các nước này có mức độ tín dụng/GDP tương đương Việt Nam (lần lượt ở mức 128% và 139% so với 130% ở Việt Nam).
Về phân khúc DN tư nhân, số lượng DN đăng ký kinh doanh mới tiếp tục tăng trưởng 16% trong năm 2018, trong khi số lượng DN đóng cửa giảm 5% so với năm 2017, chưa kể mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ đạt 1 triệu DN hoạt động hiệu quả. Do đó, dư địa để các ngân hàng đẩy mạnh các sản phẩm vào phân khúc khách hàng này rất lớn.
Thực tế, thời gian qua, một số ngân hàng đã giảm dư nợ cho vay khách hàng DN lớn, thay vào đó "mở lối riêng" cho khách hàng SMEs. Chẳng hạn, ABBank vừa tung ra gói sản phẩm "SME Open" dành riêng cho các DN mới thành lập từ một năm trở lên hoặc DN thành lập trên 6 tháng và đi lên từ hộ kinh doanh với mức cho vay tối đa lên đến 5 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, quý I/2019, dư nợ cho vay ở phân khúc khách hàng SMEs, khách hàng cá nhân tăng mạnh, trong khi với nhóm khách hàng lớn giảm đáng kể.
Cụ thể, dư nợ cho nhóm khách hàng DN lớn giảm 8% so với cùng kỳ, trong khi cho vay khối SMEs tăng hơn 52%.
Đại diện VietinBank cho biết, với chiến lược nhắm tới khách hàng SMEs, trong những năm qua, phân khúc SMEs tăng trưởng mạnh khi liên tục giữ vị trí top đầu về thị phần toàn quốc.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu VNDIRECT, yếu tố chính giúp các nhà băng thành công trong cạnh tranh ngân hàng bán lẻ là dịch vụ và nhân lực bán hàng. Khả năng phân phối và bán hàng sẽ là các yếu tố quan trọng để chiếm lĩnh thị phần trong phân khúc này.
Huyền Anh