Báo cáo tài chính quý I/2020 của nhiều ngân hàng cho thấy, ngoài việc tăng trưởng tín dụng sụt giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, trích lập dự phòng rủi ro tăng do các ngân hàng cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm, thì ở một số nhà băng chi phí trả lãi tiền gửi tăng cao cũng là yếu tố kéo lợi nhuận đi xuống.
Cuộc đua cạnh tranh lãi suất
Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, huy động chính là yếu tố đầu vào thường xuyên và chủ yếu giúp cho ngân hàng duy trì thanh khoản, bù đắp thiếu hụt trong thanh toán, tăng nguồn vốn kinh doanh và có thể sử dụng cho vay theo lựa chọn của mình. Vì vậy, giữa các ngân hàng cũng cạnh tranh quyết liệt cả về lãi suất huy động và lãi suất cho vay, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cuối năm 2019 thị trường ngân hàng nổ ra cuộc đua cạnh tranh lãi suất huy động và kéo dài đến nay. Thời điểm này, để cạnh tranh thu hút tiền gửi kỳ hạn dài, các ngân hàng liên tục đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên cao thông qua công cụ tiền gửi thông thường và phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dài hạn.
Trong tháng 5 này, nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động lên tới trên 8%, thậm chí tới trên 9%. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) công bố lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng là 8,25%; Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), lãi suất huy động VND các kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng cũng tăng dần từ 7,5 - 8,3%/năm, áp dụng cho mọi khách hàng cá nhân và không phân biệt số tiền gửi; Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), lãi suất huy động tiền đồng cao nhất thậm chí còn lên tới 9,2% áp dụng với kỳ hạn 13 tháng và được ghi nhận là mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay.
Đối với khoản tiền tiết kiệm có kì hạn gửi từ 13 đến 36 tháng, lãi suất ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) đang niêm yết ở mức 7,75%/năm.
Thống kê của NHNN vào đầu tháng 5/2020 cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động VND trên thị trường ngân hàng hiện phổ biến chỉ 5,3 - 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và cao nhất 6,6 - 7,4%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Như vậy, so với mặt bằng lãi suất của NHNN, dễ dàng nhận thấy các mức lãi suất huy động của của các ngân hàng trên là khá cao và đặc biệt có mức cao hơn rất nhiều ở các kỳ hạn huy động từ 6 tháng đến 12 tháng.
Tăng chi phí, giảm lợi nhuận
Theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất tăng đồng nghĩa với chi phí của ngân hàng tăng, làm tăng chi phí các sản phẩm dịch vụ bán ra cho khách hàng, dẫn đến doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng giảm.
Chẳng hạn, trong báo cáo tài chính quý I/2020 của BacABank chi phí trả lãi tiền gửi tăng cao chính là yếu tố quan trọng khiến lợi nhuận ngân hàng giảm tới 27%.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, các chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tại ngân hàng tăng thêm tới gần 530 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019. Trong đó chỉ riêng chi phí trả lãi tiền gửi cũng tăng mạnh trên 242 tỷ đồng, lên hơn 1.818,8 tỷ đồng. Cùng với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ghi nhận 44,1 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020, trong khi cùng kỳ 2019 là 0 đồng. Kết thúc quý I/2020, sau khi trừ đi các chi phí có mức tăng mạnh nói trên, BacABank đạt lợi nhuận trước 178,6 tỷ đồng. So sánh với con số lợi nhuận khả quan gần 245 tỷ đồng của cùng kỳ 2019, lợi nhuận của BacABank giảm tới 27% trong quý I/2020.
Tại Hội nghị của Thủ tướng với các doanh nghiệp hôm 9/5 vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: "Thời gian tới NHNN sẽ xem xét để giảm tiếp các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở…; Cùng với đó, NHNN sẽ quyết liệt chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay bền vững".
Để hiện thực cam kết này, ngày 13/5 NHNN tiếp tục cắt giảm một loạt lãi suất điều hành, trong đó lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia cho rằng, NHNN giảm các lãi suất điều hành để vừa tạo nguồn vừa tạo điều kiện hạ lãi suất trên thị trường với dân cư và tổ chức kinh tế. Ngoài ra, việc hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn VND cũng là trực tiếp giảm chi phí đầu vào cho các ngân hàng thương mại có thêm thuận lợi cân đối hạ lãi suất đầu ra.
Thanh Hoa