Lãi dự thu trong 6 tháng đầu năm của các nhà băng có dấu hiệu tăng. |
Khảo sát của Thời báo Kinh Doanh từ số liệu Báo cáo tài chính quý II/2020 của 21 ngân hàng cho thấy, điểm chung là lãi dự thu đều tăng mạnh.
Lãi dự thu tăng theo tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng là điều bình thường, song từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng chậm lại, nợ xấu cao, nhưng tỷ lệ lãi dự thu vẫn lớn. Điều này sẽ là những dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, rủi ro cho các nhà đầu tư.
Lãi dự thu tăng mạnh
Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng). Khi khách hàng ký hợp đồng tín dụng, kể từ thời điểm giải ngân, ngân hàng bắt đầu tính lãi; theo thỏa thuận trên hợp đồng thì định kỳ ngân hàng đều hạch toán khoản lãi dự thu và sẽ thu được khi khách hàng "thực trả".
Báo cáo tài chính quý II của 21 ngân hàng được khảo sát ghi nhận tại mục lãi dự thu tăng mạnh. Tổng lãi, phí dự thu đến cuối tháng 6/2020 ở mức gần 172,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm. Trong đó, có tới 11/21 nhà băng trong nhóm khảo sát ghi nhận khoản mục này tăng so với đầu năm.
Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm, NamABank tăng gần 38% lên mức 1.812 tỷ đồng; LienVietPostBank tăng 24,1% lên mức 5.320 tỷ đồng; TPBank tăng 19,30% lên mức 1.564 tỷ đồng
Một số ngân hàng khác có mức độ tăng lãi dự thu tuy chậm hơn, song cũng chiếm tỷ trọng rất lớn. Cụ thể, lãi dự thu tính đến hết tháng 6 của Techcombank là 5.597 tỷ đồng, Kienlongbank là 1.307 tỷ đồng…
Lãi dự thu liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực. Theo nguyên tắc thận trọng thì ngân hàng chỉ tính lãi dự thu cho nợ nhóm 1. Bởi các khoản nợ khi bắt đầu chuyển sang nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro về khả năng thu hồi. Do đó, ngân hàng phải ngưng dự thu lãi nếu nợ đó quá hạn 10 ngày, hay bắt đầu chuyển sang nợ nhóm 2.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ngân hàng nào cũng tuân thủ đúng theo nguyên tắc này.
Tại sao ngân hàng “neo” lãi dự thu?
Trao đổi với phóng viên Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia ngành ngân hàng khẳng định, trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai, mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.
“Có nhiều khoản lẽ ra là nợ xấu, nhưng lại được ghi nhận thành lãi dự thu. Lý do khiến các ngân hàng "neo" lãi dự thu cao là để “né” nợ xấu. Nghĩa là thay vì chuyển nhóm các khoản nợ nhóm 1 thành nợ quá hạn và nợ xấu, đồng thời tăng trích lập dự phòng rủi ro để hạn chế rủi ro về khả năng thu hồi lãi, thì ngân hàng lại hạch toán những khoản lãi từ nợ khó đòi này thành lãi dự thu để tính vào lợi nhuận.
Do vậy, lợi nhuận cuối kỳ có thể không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh, kéo theo nợ xấu thực có thể lớn hơn nhiều so với nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo. Vì thế, mặc dù lợi nhuận không tăng trưởng nhưng gánh nặng nợ xấu đối với các ngân hàng là hoàn toàn hiện hữu”, chuyên gia này cho hay.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 6 tháng qua khiến nợ xấu của các nhà băng tăng mạnh trở lại. Có đến 17/21 ngân hàng trong nhóm khảo sát ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến hết tháng 5/2020, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 16,3% so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nợ xấu nội bảng. Con số nợ xấu thực tế có thể lớn hơn nữa, nhất là nhiều khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, được giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 mà Ngân hàng Nhà nước ban hành hồi đầu năm.
Nếu khoản nợ xấu đang được cơ cấu được tính vào nguồn thu, ngân hàng sẽ tiếp tục thu lãi, nhưng nếu bị chuyển thành nợ xấu thì phải tăng trích lập dự phòng, khi đó lợi nhuận sẽ bị hao mòn, thậm chí âm.
Vì vậy, các ngân hàng để lãi dự thu ở mức lớn là điều dễ hiểu.
Trước đó, tại Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội cũng đã cho phép ngân hàng giãn thời gian xử lý nợ xấu bằng lãi dự thu.
Tuy nhiên, thực tế có những khoản lãi dự thu đã rất nhiều năm, nhưng ngân hàng vẫn không thu được. Theo nguyên tắc, những khoản dự thu như vậy, ngân hàng phải thoái dần, song thực tế các ngân hàng vẫn cứ tiếp tục "neo" từ năm này sang năm khác trên báo cáo tài chính. Bởi nếu thoái lãi dự thu (bán nợ, xử lý nợ), lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm mạnh.
Huyền Anh