Dịch Covid-19 đang làm gia tăng nợ xấu (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, không chỉ ngân hàng mà nhiều công ty tài chính cũng khó khăn trong việc thu hồi nợ. Dự báo nợ xấu năm nay có thể lên đến 20%, nhưng nếu hết tháng 6 chưa thể kiểm soát dịch thì nợ xấu còn có thể cao hơn.
2 triệu tỷ đồng có nguy cơ thành nợ xấu
Để giúp các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối đủ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng, hiện tại nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng.
Ngay sau đó, hàng loạt ngân hàng triển khai các gói tín dụng và giảm lãi suất cho vay, có nhà băng giảm tới 4,5%/năm, cũng có đơn vị giảm lãi suất cho cả dư nợ hiện hữu.
Từ đó, nguồn thu của tổ chức tín dụng cũng giảm, rủi ro về nợ xấu tăng do khách hàng gặp khó khăn và thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm ứng cứu khách hàng. Ngoài ra, việc giãn, hoãn nợ và giảm lãi, phí cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng.
Một số ngân hàng cũng thừa nhận, để hạn chế những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà băng lên nhiều kịch bản khác nhau, nhưng ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, nợ xấu vẫn là nỗi lo hiện hữu.
Có thể nói, số lượng khách hàng của ngân hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh càng nhiều thì nợ xấu càng tăng. Lãnh đạo một ngân hàng bày bỏ sự lo lắng khi trong tháng 2 mới có khoảng 1.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, thì sang tháng 3 đã tăng lên gấp đôi. Vì vậy, ngay cả trong kịch bản tươi sáng nhất, ngân hàng này cũng dự báo nợ xấu cả năm có thể tăng từ 0,3-0,5%, còn kịch bản xấu nhất tăng lên 1%.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank thừa nhận “nợ xấu đang nhúc nhích tăng”. Tương tự, tại OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc cho hay: Năm nay, doanh nghiệp xác định phải đối phó với suy giảm kinh doanh, thậm chí là phá sản. Nợ xấu tại ngân hàng theo đó cũng tăng cao hơn.
Mới đây, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng đưa ra cảnh báo, hiện nay, theo ước tính thì có 2 triệu tỷ đồng vay nợ có nguy cơ rơi vào nợ xấu và cũng là nguy cơ kéo lùi những thành quả cải thiện "sức khỏe" hệ thống ngân hàng trong những năm qua.
Ngân hàng làm gì để giảm thiểu nợ xấu?
Nợ xấu không chỉ là vấn đề sống còn của ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo các ngân hàng phải có những biện pháp để hạn chế tình trạng gia tăng nợ xấu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chất lượng tín dụng của ngân hàng chủ yếu phụ thuộc các doanh nghiệp, bản thân ngân hàng đang “đóng vai người hùng” giải cứu doanh nghiệp và cũng là cứu mình. Do đó, để “giải bài toán nợ xấu” lúc này sẽ rất khó cho ngân hàng.
Thực tế, để giảm thiểu nợ xấu, các ngân hàng đang “siết chặt” các quy định giãn, hoãn nợ và cho vay mới. Nhiều doanh nghiệp cho biết muốn giảm lãi, cần có gửi văn bản yêu cầu hỗ trợ, nhưng cũng kéo dài khoảng hơn một tháng, nếu không tác động thì ít khi được trả lời. Hầu như phía ngân hàng sẽ nói là "nhiều doanh nghiệp đăng ký và chúng tôi đang xem xét tiêu chí".
Giãn nợ cũng vậy, ngân hàng đồng ý cho doanh nghiệp giãn nợ, nhưng cảnh báo nguy cơ sẽ đưa vào nhóm nợ xấu, muốn vay lại sẽ khó.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng ngân hàng cũng là doanh nghiệp, vì thế việc xung đột lợi ích hoàn toàn có thể xảy ra.
"Do đó, giải pháp là hai bên cùng hỗ trợ nhau. Doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đi vay tốt nhất có thể, còn ngân hàng thì xuống điều kiện một chút. Hai bên cần phải chia sẻ với nhau. Ví dụ, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất, nhưng để được giảm thì doanh nghiệp cần phải chứng minh. Ngân hàng có thể giãn nợ cho doanh nghiệp để không bị xếp vào nhóm "đèn đỏ", nhưng doanh nghiệp phải viết đơn", ông Thân nói.
Một chuyên gia khuyến cáo để đối phó với tình trạng nợ xấu gia tăng, bên cạnh tập trung hỗ trợ để doanh nghiệp không rơi vào nhóm nợ xấu, các ngân hàng cũng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời, phải siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh làm nợ xấu phát sinh thêm.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không thể dùng chính sách tiền tệ hay tài khoá để giải quyết vấn đề, mà phải đồng bộ với các chính sách khác của Chính phủ một cách nhanh chóng và mạnh mẽ để “giảm chấn” nhanh nhất cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế đề nghị ngay lúc này, Chính phủ cần ban hành chính sách phục hồi nền kinh tế để khi dịch bệnh được đẩy lùi, doanh nghiệp có thể triển khai được ngay, nhờ đó sẽ giảm thiểu được nợ xấu và vực dậy nền kinh tế.
Huyền Anh