Gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp phải thực sự hiệu quả và thiết thực nhất (Ảnh Tư liệu) |
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó vì dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn cho cả nền kinh tế với gói hỗ trợ doanh nghiệp lên tới 250.000 tỷ đồng. Trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch.
Khó tiếp cận gói hỗ trợ
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để giúp doanh nghiệp "vượt bão", Chính phủ và ngành ngân hàng đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng và thiết thực. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn gói hỗ trợ chưa đến được doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods nói: “Khi nghe có nguồn tín dụng 250.000 tỷ, doanh nghiệp rất mừng, vì đơn hàng có, nguyên liệu có, chỉ cần có vốn để đẩy sản xuất. Nhưng khi đặt vấn đề với các ngân hàng thì được cho biết chưa có hướng dẫn cụ thể và còn phân bổ về các ngân hàng thương mại phải thẩm định, cẩn thận. Hiện, các ngân hàng chi nhánh đều phải thận trọng chưa dám cho vay khi chưa có hướng dẫn cụ thể. Như vậy, hỗ trợ tín dụng vẫn chỉ nằm ở đâu đó, chưa tới được với doanh nghiệp”.
Đặc biệt, ông Hùng cho biết doanh nghiệp gặp khó khăn nên có đề xuất xin giãn nợ thuế đến tháng 6. "Khi chúng tôi đề xuất, các ngân hàng đều nói "nếu anh giãn nợ, gia hạn nợ thì vô hình trung anh trở thành nợ xấu rồi, tốt nhất anh phải cố gắng đừng có kêu". Một doanh nghiệp như Nafoods đang gặp tình trạng ấy thì làm sao doanh nghiệp khác có thể vượt qua được?", ông Hùng nói.
Cũng theo Chủ tịch Nafoods: “Covid-19 thì lây lan rất nhanh nhưng chính sách hỗ trợ, đặc biệt về vốn lại rất chậm. Nhiều doanh nghiệp đang phải vay tín dụng đen với lãi suất 3-5 nghìn đồng/triệu/ngày”.
Đồng quan điểm, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình, cho rằng gói tín dụng là đã có, vấn đề nằm ở cách tiếp cận. “Trong chiến tranh, công tác hậu cần là tối quan trọng, với cuộc chiến chống Covid-19 này cũng vậy, doanh nghiệp cần được hỗ trợ tín dụng để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường và nắm bắt cơ hội”, ông Huy nói.
Vì thế, các doanh nghiệp đều cho rằng, trong giai đoạn chống dịch được xem như thời chiến hiện nay, nếu áp dụng mọi nguyên tắc như thời bình sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ kịp thời dù đang có nhiều gói hỗ trợ.
Cần gói tín dụng thiết thực
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Nam Miền Trung đề xuất: “Chính phủ cần dành riêng cho nông nghiệp một gói tín dụng thiết thực với những điều kiện đi kèm cụ thể, có vậy các doanh nghiệp mới tiếp cận được”.
Đặc biệt, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cho giãn các vấn đề về đóng góp như bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn... để doanh nghiệp nông nghiệp tập trung sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm trong cuộc chiến chống Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Lãnh đạo Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cũng cho rằng, với ngành nông nghiệp cần có gói hỗ trợ riêng, điều kiện vay vốn, giảm lãi, giãn nợ phù hợp với đặc thù ngành nông nghiệp, làm sao nhanh nhất, thiết thực nhất. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, việc đáp ứng yêu cầu là sẵn sàng lương thực, thực phẩm được đặt lên hàng đầu.
"Cần có các chính sách vốn, tín dụng, bảo hiểm, thuế được thực hiện giãn, hoãn để nông dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất phục vụ bà con, chủ động các giải pháp sản xuất. Khi doanh nghiệp duy trì được, ổn định sản xuất thì sau đại dịch mới có nguồn lực để thực hiện và chấp hành các nghĩa vụ về vay vốn, đóng thuế và đóng góp cho xã hội", đại diện VIDA cho hay.
Bộ NN&PTNT cho biết cũng đã có báo cáo kiến nghị gửi Chính phủ dành gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp được hiệu quả và thiết thực nhất.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho hay về cơ bản các ngân hàng có giãn nợ gốc và lãi cho doanh nghiệp nhưng chưa tiến hành cơ cấu lại nợ trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, khó lường. Việc giảm lãi suất thì rất ít, hầu như chưa có doanh nghiệp nào được giảm. Cộng đồng doanh nghiệp hiện vẫn chờ hướng dẫn, thực hiện những giải pháp đã được công bố.
“Hầu hết doanh nghiệp đều đang rất khó khăn, các giao dịch thương mại gần như bị đình trệ, doanh thu giảm sút. Doanh nghiệp lo trả nợ nên nhu cầu đầu tư cho các dự án mới cũng rất hạn chế”, ông Hồng Anh lo lắng.
Huyền Anh