Tín dụng cho vay và huy động đều giảm hoặc tăng trưởng rất thấp đang là tình trạng chung của toàn hệ thống ngân hàng (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Theo nghiên cứu của các chuyên gia Công ty CP chứng khoán SSI, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II, dự báo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm 11,1%. Trường hợp xấu nhất, dịch bệnh sẽ không được kiểm soát đến cuối năm 2020, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm 16,4%.
Rục rịch điều chỉnh lợi nhuận
Tín dụng không tăng, trong khi đó, các ngân hàng liên tục đưa ra các chương trình hỗ trợ, cùng gói tín dụng với lãi suất ưu đãi giảm từ 1-2% nhằm giúp các doanh nghiệp và cá nhân vượt qua đại dịch Covid-19. Với thực tế này, lợi nhuận ngân hàng năm nay bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu.
Thực tế, gần đây, nhiều nhà băng phải cắt giảm chi phí, điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Theo dự thảo Báo cáo tổng kết năm 2019 và kế hoạch kinh doanh 2020 để trình Đại hội đồng cổ đông 2020, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 800 tỷ đồng, giảm 13,5% so với năm trước dù các chỉ tiêu khác vẫn tăng trưởng.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng có kế hoạch điều chỉnh giảm lợi nhuận trong năm 2020 do lo ngại tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Dù chưa có dự thảo báo cáo cụ thể trình Đại hội đồng cổ đông 2020, tuy nhiên phía ngân hàng này cũng tiết lộ sẽ điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2020, với mức giảm lợi nhuận tối thiểu 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ước tính chỉ riêng với quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn trong đợt giảm lãi suất đầu tiên, thì Vietcombank sẽ phải “hy sinh” ít nhất 300-450 tỷ đồng lợi nhuận. Còn nếu tính cả tiền lãi khách hàng cá nhân đang vay được giảm thì con số lợi nhuận giảm sẽ còn lớn hơn khá nhiều.
Đại diện một ngân hàng thương mại chia sẻ, tín dụng cho vay và huy động đều giảm hoặc tăng trưởng rất thấp đang là tình trạng chung của toàn hệ thống.
Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho hay, việc giảm mục tiêu lợi nhuận không phải là mối bận tâm lớn đối với các ngân hàng, vì nợ xấu mới là điều đáng lo hiện nay: “Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái cũng đặt ra lo ngại về việc gia tăng nguy cơ nợ xấu”.
Đại diện Công ty Chứng khoán Yuanta chia sẻ, thời điểm hiện tại có lẽ là quá sớm để đánh giá nợ xấu phát sinh do Covid-19 vì vẫn chưa có số liệu thông tin cụ thể về “sức chịu đựng” của các doanh nghiệp có vay nợ hiện tại. Các biện pháp hỗ trợ do Ngân hàng Nhà nước đưa ra như gói tín dụng, giãn thời gian trả nợ, cấu trúc lại nhóm nợ cho các doanh nghiệp ảnh hưởng sẽ làm giảm một phần nợ xấu phát sinh do dịch Covid-19.
Dịch bệnh có thể làm giảm 16,4% lợi nhuận
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/3/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%).
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ phải trông chờ vào quý III, IV nếu dịch bệnh được khống chế sớm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình dịch Covid-19 bắt đầu trở nên phức tạp kể từ tuần thứ hai của tháng 3, nên tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quý I/2020 là không lớn, ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.
Tuy nhiên, trong quý II/2020, thu nhập lãi, thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu sẽ giảm xuống khi các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi và cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.
SSI đưa ra 2 kịch bản cho diễn biến dịch bệnh Covid-19, trong đó kịch bản cơ sở là dịch sẽ được kiểm soát vào cuối quý II/2020 và kịch bản xấu nhất là dịch sẽ được kiểm soát đến cuối năm 2020. Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra dự báo lợi nhuận trước thuế đối với các ngân hàng mà SSI nghiên cứu giảm 11,1% và giảm 16,4%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo sẽ có mức tăng trưởng 7,2% và 0,8% cho 2 kịch bản được đề cập.
Các chuyên gia cho biết tín dụng tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh. Nghiên cứu của SSI cho thấy ảnh hưởng sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn.
Đối với giai đoạn 1, nhu cầu vay từ các khách hàng phân khúc bình dân đại chúng và phân khúc thu nhập thấp vẫn còn, vì khách hàng vẫn cần tiền mặt để trang trải chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, đối với giai đoạn 2 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và đạt đỉnh, về mặt lý thuyết, thu nhập của phân khúc khách hàng thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, và khả năng trả nợ của người đi vay theo kịch bản này sẽ giảm nhanh tại thời điểm này.
Sự khác biệt giữa kịch bản cơ sở và kịch bản xấu nhất sẽ rõ ràng hơn trong kết quả kinh doanh ngành ngân hàng năm 2021, SSI dự đoán vào thời điểm đó, tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ cao hơn và nợ xấu gia tăng có thể bắt nguồn từ giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Hoàng Hà