Theo tính toán, nếu như không phải trả cổ tức bằng tiền mặt, năm nay, các ngân hàng trên sẽ có thêm khoảng 6.000 tỷ đồng để tăng vốn chủ sở hữu, tạm thời thoát khỏi tình trạng báo động thiếu vốn.
Những nỗ lực tăng vốn nhằm mục đích đảm bảo an toàn hệ thống của các NHTM có vốn nhà nước trong những năm qua vẫn chưa đạt kết quả, trong khi tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR) đã tụt giảm xuống gần chạm ngưỡng hiện hành là 9%.
Gập ghềnh đường tăng vốn
Mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đã lên tiếng về câu chuyện tăng vốn của các NHTM nhà nước, khi khẳng định: "Chưa bao giờ việc tăng vốn lại cấp bách như hiện nay. Với tỷ lệ CAR đang có, nếu áp chuẩn Basel II thì các ngân hàng phải nâng vốn lên thậm chí gấp đôi mới đạt".
Kể từ năm 2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết không cho phép sử dụng ngân sách để cấp vốn cho ngân hàng thương mại. Vì vậy, các ngân hàng này thời gian qua đã nỗ lực tìm mọi cách để tăng vốn như: thay đổi cơ cấu sở hữu cổ đông thông qua các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn cho nhà đầu tư (gồm nhà đầu tư nước ngoài hoặc cho công chúng và nhà đầu tư trong nước) và phương án giữ lại lợi nhuận. Tuy nhiên, cả hai cách này đều vấp phải trở ngại.
Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, các nhà đầu tư trong nước thường không đạt mục tiêu do không tìm được nhà đầu tư đủ tiềm năng, trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và có đủ tiềm lực để sở hữu nhưng lại vướng về cơ chế.
Chẳng hạn, nhiều năm qua, Vietcombank chưa thể bán hơn 7% vốn cho đối tác nước ngoài – Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore là GIC, do giá trên thị trường cao mà ngân hàng lại không được phép bán giá thấp hơn, trong khi nhà đầu tư mua lô lớn luôn muốn giá rẻ.
BIDV cũng chưa tìm được đối tác để bán tối đa 30% cổ phần như mục tiêu đề ra từ năm 2014. Còn VietinBank thì chưa nhận sáp nhập xong PGBank do còn vướng mắc về một số vấn đề, trong đó có tỷ lệ hoán đổi…
Bên cạnh đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để ngân hàng có nguồn vốn giữ lại phục vụ hoạt động kinh doanh cũng như vốn đáp ứng chuẩn Basel II ở các NHTM cổ phần dễ dàng hơn, nhưng với ba "ông lớn" NHTM nhà nước lại vô cùng khó khăn.
Tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II của các NHTM nhà nước thời gian qua gặp nhiều khó khăn |
Chính phủ đang tìm giải pháp
Hồi năm 2016 và 2017, đại hội cổ đông của các ngân hàng quốc doanh đã thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để có nguồn vốn giữ lại phục vụ hoạt động kinh doanh cũng như vốn đáp ứng chuẩn Basel II.
Thế nhưng sau đó, Bộ Tài chính lại yêu cầu các nhà băng này phải trả cổ tức bằng tiền mặt, với lý do ngân sách nhà nước đang thâm hụt. Cuối cùng, các nhà băng cũng thuận theo và giúp ngân sách thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu trong năm nay, Vietcombank chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%, BIDV là 7%, Vietinbank là 5% - 7%, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ thu về khoảng 6.000 tỷ đồng.
Cụ thể, BIDV sẽ phải trả 2.280 tỷ đồng cho Bộ Tài chính, Vietcombank là 2.219 tỷ đồng và VietinBank là từ 1.200 – 1.680 tỷ đồng (tùy theo tỷ lệ chia 5% hay 7%).
Trong khi việc tìm kiếm nguồn vốn bổ sung còn khó, các ngân hàng này lại phải lo trích lợi nhuận để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, khiến cho con đường tăng vốn đã khó lại chồng thêm khó.
Trước tình hình trên, các ngân hàng đã kiến nghị với Chính phủ cho phép NHTM có vốn nhà nước được giữ lại cổ tức hàng năm để tăng vốn.
Bên cạnh đó, kiến nghị cơ chế linh hoạt về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài sao cho đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, của cổ đông cũng như đảm bảo được triển khai hiện hữu trong thực tế.
Trả lời những kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cùng với việc cổ phần hóa Agribank, bán vốn BIDV và Vietcombank, Chính phủ cũng đang tìm giải pháp để tăng vốn cho bốn ngân hàng.
"Năm nay là năm chúng ta phải tăng vốn cho các NHTM có vốn nhà nước, từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức", Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cho phép các NHTM có vốn nhà nước được giữ lại lợi nhuận và phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất.
Tuy nhiên, trong lúc quy định về cơ chế phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài chưa tạo được sự thuận lợi thì động thái không "đòi" tiền mặt của Bộ Tài chính như đã từng xảy ra sẽ giúp các ngân hàng tạm thời thoát khỏi "báo động đỏ".
Hoàng Hà