Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN giao cho các ngân hàng là 14%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung của toàn ngành là 17%. Đến hết tháng 9/2018, nhiều ngân hàng đã dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm
Kỳ vọng được nới room
Báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết tính đến đầu tháng 10, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 9,89% so với cuối năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 11,73%.
Tuy vậy, báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng cho thấy, tính đến hết tháng 9, tăng trưởng dư nợ tín dụng nhiều ngân hàng đã sắp chạm trần. Đơn cử như VietinBank là 12%, BIDV xấp xỉ 12%, HDBank: 14%, MB: 10%, LienVietPostBank: 13,5%, ACB và Kienlongbank: 11%…
Thực tế, ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng rất thấp, có ngân hàng chỉ là 10%, 11%. Vì vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã gần hết room tín dụng và làm xin thêm chỉ tiêu.
Tuy nhiên, hồi tháng 8/2018, NHNN đã ban hành Chỉ thị 04 nêu rõ quan điểm sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém)…
Quyết định này của NHNN khiến nhiều nhà băng lo lắng, thậm chí một vài ngân hàng phải điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận đã được phê duyệt từ đầu năm và điều chỉnh một số lĩnh vực kinh doanh.
Thế nhưng, mới đây, NHNN đã gây bất ngờ cho thị trường khi quyết định nới room tín dụng cho Techcombank từ mức 14% lên 20%. Như vậy, nhà băng này sẽ có thêm 6.000 – 8.000 tỷ đồng để cho vay trong hơn một tháng cuối năm.
Đáng nói, Techcombank không phải là ngân hàng rơi vào tình trạng “báo động đỏ” về room tín dụng. Theo báo cáo tài chính, tính đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này mới chỉ đạt 3,8%, trong khi chỉ tiêu NHNN giao cho là 14%.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác cho biết hiện nhiều khoản vay dù chỉ vài trăm triệu nhưng vẫn phải “xếp hàng” vì phải chờ ngân hàng tất toán những khoản nợ cũ mới cho vay được.
Vì vậy, động thái này của NHNN đã tạo ra kỳ vọng về khả năng sẽ có một vài ngân hàng được NHNN tiếp tục nới room trong năm nay. Trong đó, HDBank được xem là trường hợp đặc biệt, nếu sớm hoàn tất kế hoạch sáp nhập thêm PGBank thì sẽ được nới thêm room. Hay Sacombank là ngân hàng đang thuộc diện tái cơ cấu, và đã có nhiều ý kiến xin nới room tín dụng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của NHNN…
Nhiều ngân hàng kỳ vọng được nới room tín dụng sau Techcombank |
Xem xét cẩn trọng
Nêu quan điểm về vấn đề này, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng xét về mặt quản lý vĩ mô thì việc siết cung tín dụng là hợp lý.
Theo ông Hiếu, năm nay tăng trưởng kinh tế hoàn toàn đạt chỉ tiêu 6,7% nên NHNN và Chính phủ thấy không cần thiết đẩy mạnh tăng trưởng nữa, mà thay vào đó là ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, trên phương diện vi mô, việc siết tín dụng sẽ khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cho cả năm.
“Hầu hết kế hoạch lợi nhuận dựa vào tăng trưởng tín dụng, có ngân hàng đặt mục tiêu 20%, 30% thậm chí còn hơn. Nếu chỉ được tăng trưởng 10-15% thì lợi nhuận trong năm khó đạt được nên các ngân hàng rất lo lắng”, ông Hiếu cho hay.
Vậy, làm sao để hài hòa yêu cầu vi mô và vĩ mô là bài toán khó cho Chính phủ và NHNN.
Theo các chuyên gia, về tổng thể trong năm nay, NHNN siết chặt tín dụng, không tăng quá lên 17% là việc nên làm. Nhưng, trong một số trường hợp cần xem xét ở các tiêu chí như: ngân hàng hoạt động lành mạnh, tỷ lệ nợ xấu thấp, lợi nhuận cao, có mạng lưới mở rộng, có khả năng tài chính, không có sai phạm trong quá khứ. NHNN nên xem xét một số trường hợp để nới room tín dụng dưới tiêu chí cấp thêm chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, những ngân hàng có hoạt động tín dụng mạnh ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng nên được xem xét.
Theo dự đoán, có thể trong tháng 11 này, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho một số ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng NHNN nên công khai, minh bạch những chỉ tiêu cụ thể, qua đó tạo sự công bằng cho các ngân hàng.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, “từ nay đến cuối năm có hơn một tháng nữa, nên việc tăng room tín dụng cho các ngân hàng phải rất chừng mực, bởi nếu mở room tín dụng quá nhiều sẽ tác động đến lạm phát trong năm 2019”.
Hoàng Hà