Giao dịch tại ngân hàng (Ảnh Int) |
Mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và xem xét cho vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng tại hai thành phố lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vẫn rất chậm
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 8 tháng do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM thực hiện, trong lĩnh vực ngân hàng, tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn tăng 4,55% so với cuối năm ngoái, ở mức 2,66 triệu tỷ đồng. Tiền gửi chiếm gần 87% tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ tín dụng tăng 3,68% sau 8 tháng, ở mức 2,38 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 52% cơ cấu, tăng 4,31% so với cuối năm 2019.
Dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đạt 176.266 tỷ đồng, trong đó vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 74%. Cho vay hỗ trợ nhà ở với dư nợ khoảng 3.092 tỷ đồng, với 8.509 khách hàng còn dư nợ.
Các ngân hàng thương mại đăng ký và tổ chức thực hiện gói tín dụng năm 2020 là 274.450 tỷ đồng, đã giải ngân khoảng 208.291 tỷ đồng cho 8.104 khách hàng.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội đến cuối tháng 8/2020 chỉ đạt 2.212 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 4,7% so với thời điểm kết thúc năm 2019.
Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.991 nghìn tỷ đồng, chiếm 90% và tăng 5,2% so với thời điểm kết thúc năm 2019; đầu tư đạt 221 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% và tăng 0,5%.
NHNN cho biết, tính đến tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chậm so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh thanh khoản của toàn hệ thống dồi dào.
Không khó để nhận thấy các ngân hàng rất khó khăn trong việc thúc đẩy cho vay mới. Ðơn cử, với ngành dịch vụ, trong quý II/2020, tăng trưởng ngành này sụt giảm 1,8% so với cùng kỳ (từ mức tăng 3,3% được ghi nhận trong quý I/2020) do tất cả các hoạt động dịch vụ đều giảm mạnh trong tháng 4/2020, khi toàn quốc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19.
Tín dụng hiện nay phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế, có hoạt động kinh tế doanh nghiệp mới đi vay và khi đó mới có tín dụng. Doanh nghiệp không muốn vay, ngân hàng không thể cố ép.
Theo đánh giá của giám đốc khối bán lẻ một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Hà Nội: “Với bối cảnh trên, rõ ràng, tăng trưởng dư nợ được hơn 4% như hiện nay đã là rất tốt. Nếu cứ cố để tăng dư nợ, thậm chí phải hạ chuẩn tín dụng, thì sẽ khó tránh được rủi ro và đẩy các ngân hàng vào tình cảnh ‘đứng cho vay, quỳ thu nợ’”.
Trong một báo cáo mới đây, công ty Chứng khoán VNDirect dự báo: “Khả năng nhu cầu tín dụng trong những tháng cuối năm vẫn ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp quyết định tạm dừng mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. Theo đó, dự báo tín dụng cả năm 2020 sẽ tăng khoảng 8 - 9% so với năm 2019, trong khi cung tiền M2 sẽ tăng nhanh hơn một chút, ở mức 9 -10%”.
Hoàng Hà