Dự báo năm 2020 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8-9%. |
Theo kết quả điều tra các tổ chức tín dụng (TCTD) của của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước), trong 6 tháng cuối năm 2020, 49% TCTD kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống, tiếp đến là bán buôn, bán lẻ (47%), dệt may (41%) và xây dựng (40%).
Sẵn sàng cung ứng vốn cho lĩnh vực hoạt động tốt
Sau một thời gian tạm lắng, hiện dịch Covid-19 đã quay lại từ cuối tháng 7, song Chính phủ xác định “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”. Thấu hiểu điều đó, hệ thống ngân hàng khẳng định sẵn sàng cung ứng vốn cho những phương án kinh doanh tốt đang cần vốn, đặc biệt là những lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch như sản xuất điện tử, dược phẩm, lương thực thực phẩm…
Chẳng hạn ở TP. Hồ Chí Minh trong 7 tháng đầu năm nay, tín dụng đối với các lĩnh vực trên có mức tăng lần lượt 18,6%, 7,4%, 4,5%.
Bởi vậy, giới chuyên gia nhận định, nhu cầu tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong những tháng cuối năm, đặc biệt là tín dụng sẽ “đổ” mạnh vào các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi hiện nay đây là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tốt nhất.
Số liệu của Tổng cục Hải Quan cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2020 tăng 10,2% so với tháng 6 lên 24,9 tỷ USD (tăng 8,2% so với cùng kỳ 2019), ghi nhận giá trị xuất khẩu theo tháng cao nhất kể từ tháng 9/2019. Lũy kế 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ 2019 lên 147,6 tỷ USD.
Đáng lưu ý, sự tăng trưởng tích cực được thúc đẩy bởi khối doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng 13,7% so với cùng kỳ lên 52,2 tỷ USD, trong khi giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 4,2% sv cùng kỳ xuống 95,4 tỷ USD.
Số liệu này đã chứng minh cho nhận định “Việt Nam đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” khi một phần nhỏ các đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã được chuyển sang các công ty của Việt Nam. Các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong 7 tháng đầu năm 2020 bao gồm gạo (+14,0%), phân bón (+18,9%), máy tính (+26,7%), dây và cáp cách điện (+28,1%), máy móc và thiết bị (+30,0%), giấy và sản phẩm từ giấy (+32,4%), đồ chơi và dụng cụ thể thao (+71,4%)..
Quý IV, tăng trưởng tín dụng sẽ bật lên?
Theo các chuyên gia, tín dụng tăng trưởng chậm là điều phải chấp nhận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, trong khi hệ thống ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn cho vay do lo ngại nợ xấu.
Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay bằng cách giãn, giảm cơ cấu lại nợ, thì các ngân hàng phải tăng cường tìm kiếm bạn hàng để cho vay vốn ra xã hội thay vì gửi tạm thời trong Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thực tế, báo cáo gần đây của NHNN cho thấy, tín dụng chủ yếu tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 4,94%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,92%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%...
Dưới góc độ của ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB đánh giá: “Với những tín hiệu tích như trên, tôi hy vọng, kinh tế hồi phục nhanh dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng theo. Có thể bước sang quý IV, tăng trưởng tín dụng sẽ bật lên”.
Tuy nhiên, lãnh đạo OCB cho rằng, tín dụng tăng không đều ở tất cả lĩnh vực mà ở một số ngành như sản xuất công nghiệp, phụ trợ... còn lại tín dụng xuất nhập khẩu vẫn có thể gặp khó.
Công ty chứng khoán này cũng cho rằng, nhu cầu tín dụng vẫn ở mức thấp nửa cuối năm do nhiều doanh nghiệp quyết định tạm dừng mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. Tín dụng cả năm 2020 dự báo tăng khoảng 8-9%, trong khi cung tiền M2 sẽ tăng nhanh hơn, ở mức 9-10%.
Thanh Hoa