Tại phiên thảo luận về những giải pháp làm đòn bẩy cho thị trường tài chính và bất động sản 2020 tổ chức mới đây, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết trong quá trình ban hành Thông tư 22, NHNN đã có sự lắng nghe cũng như phân tích tình hình thực tế của các doanh nghiệp (DN) nói chung và DN bất động sản nói riêng, xây dựng lộ trình cụ thể để các ngân hàng điều chỉnh cơ cấu về vốn để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, bền vững hơn.
Tăng trưởng tín dụng phù hợp
Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng năm 2019 đạt trên 13%, là mức tăng trưởng thấp so với những năm trước, nhưng nằm trong mục tiêu điều hành tín dụng ngay từ đầu năm của NHNN để phù hợp với các mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô khác.
Đáng chú ý, dòng vốn tín dụng tiếp tục chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng dành cho các DN vừa và nhỏ cao hơn mức chung, tăng khoảng 16%, vốn cho DN ứng dụng công nghệ cao tăng 15%. Riêng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 1/4 tổng vốn cho nền kinh tế.
Trong năm qua, thị trường vốn cũng giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân hàng.
Ts. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho biết thị trường tài chính đã chiếm tới 323% GDP năm 2019.
Năm 2019, thị trường tài chính phát triển tích cực hơn và lành mạnh hơn, đóng góp quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn, giảm bớt phát hành trái phiếu lãng phí, lượng cung tiền ra nền kinh tế tốt, đảm bảo mức lạm phát 2,73%.
“Trong năm qua, huy động vốn từ thị trường trái phiếu DN khá tốt, với 250 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2018. Dù vậy, tôi cho rằng chúng ta cần phải tạo điều kiện hơn nữa để tạo cân bằng cho thị trường tài chính do hiện nay nguồn vốn vẫn đang dựa quá nhiều vào ngân hàng”, ông Lực đánh giá.
Trên thị trường cổ phiếu, năm qua huy động 314 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Trong đó, cổ phiếu nhóm công nghệ và viễn thông có diễn biến tốt nhất trên sàn chứng khoán khi tăng tới 36,7%, lĩnh vực ngân hàng bảo hiểm tăng 20%, riêng nhóm công ty chứng khoán thì không thuận lợi lắm khi giảm 16,3%.
Nền kinh tế không thiếu vốn nhưng nghẽn ở không tiếp cận được vốn |
Ngân hàng khẳng định không thiếu vốn
Tuy nhiên, theo Ts. Trần Du Lịch, 5 năm trước gặp nhiều DN kêu thiếu vốn và hiện nay gặp họ vẫn kêu thiếu vốn. Nền kinh tế không thiếu vốn nhưng nghẽn ở không tiếp cận được vốn.
“Những điểm nghẽn càng để lâu càng khó gỡ. Hy vọng Việt Nam trong 10 năm tới phát triển cao hơn nhưng với điều kiện phải khơi thông được thể chế và nguồn lực. Nếu sang năm 2020 mà chúng ta không “thông” được thì sẽ tắc thêm mấy năm nữa, nên có thể thấy vai trò của đầu tư công ảnh hưởng rất lớn”, ông Lịch nói.
Phân tích về vốn cho nền kinh tế, Ts. Cấn Văn Lực khẳng định tăng trưởng dòng vốn năm 2019 đạt 12% thì không thể nói là thiếu vốn, chỉ là một số điểm chưa hấp thụ được.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết do các điều kiện ràng buộc về tài sản thế chấp, báo cáo tài chính “đẹp”… nên các ngân hàng vẫn trong tình trạng thừa tiền nhưng các DN chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn vay. Đây là một trong những khó khăn then chốt mà ngành ngân hàng đang tìm biện pháp tháo gỡ để khơi thông tín dụng cho nền kinh tế.
Ngoài việc hạ điều kiện vay vốn, nhiều ngân hàng còn giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc Namabank, chia sẻ: “Chính phủ đã có chủ trương giảm lãi suất cho vay. Thế giới đã không ngừng giảm, nếu muốn cạnh tranh được thì các ngân hàng nhỏ cũng đối diện với thách thức. Chúng tôi cũng sẽ đưa thêm nguồn vốn giá rẻ vào thị trường”.
Bà Dương Thị Thanh Bình cho biết khi xây dựng chỉ tiêu định hướng năm 2020, NHNN dựa trên đánh giá tổng thể nhiều yếu tố, theo đó dự kiến tổng phương tiện thanh toán tăng 13%, tăng trưởng tín dụng đạt 14%, các chỉ tiêu này cũng linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Trong quá trình điều hành, NHNN cũng bám sát diễn biến thị trường với mục tiêu hỗ trợ DN với chi phí hợp lý. “Ngay trong năm 2019, NHNN 2 lần giảm lãi suất điều hành, nhờ vậy các tổ chức tín dụng đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh; trong đó nhiều tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất sâu hơn mức trần quy định của NHNN”, bà Bình cho hay.
Thanh Hoa